Ngày 1-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra thực tế một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
"Phải làm nhanh, không lý sự nhiều"!
Tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá thời gian qua tiến độ triển khai công trình còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Thủ tướng đã lên tàu đi thử để kiểm tra việc vận hành, lưu thông trên tuyến và đã có cuộc trao đổi với đại diện tổng thầu của dự án về tiến độ, chất lượng dự án.
"Chúng tôi đã chờ đợi và bây giờ đã chờ đợi quá mức kiên trì rồi. Phải nhanh, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều" - Phó Thủ tướng nói với đại diện tổng thầu Trung Quốc. Ông giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong năm 2019 phải đưa vào khai thác. Yêu cầu nâng cao trách nhiệm nhà thầu, tích cực hơn nữa để cùng với chủ đầu tư, ban quản lý, tư vấn khép lại hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu. Mặc dù tiến độ thi công thời gian qua đã có chuyển biến nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ đã đề ra. Nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục yêu cầu tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp). "Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần. Bộ GTVT cũng đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách giúp dự án vận hành sớm" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Còn theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy thương mại từ tháng 9-2017. Hà Nội phải vay tiền để chuẩn bị công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng. Khoảng 1.000 người đã được tuyển dụng, đào tạo để phục vụ những phần việc này. Hai năm qua, Hà Nội đã đào tạo xong nhân lực nhưng dự án chậm tiến độ, một số công nhân đã bỏ đi, trong khi đó từ năm 2018, TP phải trả lãi gần 300 tỉ đồng/năm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát một số công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội vào ngày 1-10
Nhiều dự án trọng điểm sắp hoàn thành
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Hà Nội hiện vẫn đang đứng trước những thách thức rất lớn, do xu hướng tập trung hóa đô thị. Trong thời gian tới, TP và các bộ cần tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng, xác định rõ mục tiêu huy động các nguồn lực không chỉ từ ngân sách. Lưu ý, TP Hà Nội trong những năm tới ùn tắc giao thông sẽ ngày càng gia tăng, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp để giải quyết đồng bộ các vấn đề này. Không chỉ Hà Nội mà cả nước cần tích cực tham gia. Các vùng, miền cần phát triển, tăng trưởng để hạn chế di dân cơ học đến các TP lớn như Hà Nội.
"Đường sắt đô thị phải cơ bản hoàn thành mới giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có hạn, ODA vướng trần nợ công, cần phải huy động được nguồn vốn xã hội hóa" - Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục vay vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành hợp đồng bổ sung vốn vay.
Đối với Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, Phó Thủ tướng ghi nhận TP Hà Nội và Bộ GTVT đã nỗ lực cố gắng trong điều kiện phải giải phóng mặt bằng (GPMB) rất nhiều. Thời gian tới, yêu cầu chủ đầu tư cần tiếp tục tăng cường nhân lực, vật lực, phương tiện máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến tháng 9-2020, dự án phải hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, dự án đường Vành đai 3 dưới thấp đã cơ bản hoàn thành, có thể thông xe toàn tuyến, đưa vào khai thác trước ngày 10-10 tới.
Đối với Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, TP Hà Nội cho biết đến nay, đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu. Hiện, còn gói thầu số 9 đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 10-2019. Dự án đã hoàn thành GPMB Depot và tuyến, ga trên cao và đang triển khai GPMB các ga ngầm (ga S9 thu hồi 99,1%; ga S10 thu hồi 95%; ga S1 thu hồi 94,2%; ga S12 thu hồi 94%), dự kiến hoàn thành trong quý IV/2019. Dự án đang thi công, tổng khối lượng thực hiện đạt khoảng 52%, đối với đoạn trên cao dài 8,5 km triển khai được 63% khối lượng. Dự kiến hoàn thành khai thác đoạn tuyến trên cao vào tháng 4-2021 và đoạn ngầm vào cuối năm 2022.
Lời hứa với nhân dân
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không chỉ là dự án trọng điểm của Hà Nội mà còn là lời hứa của Bộ GTVT, của Chính phủ với nhân dân thủ đô. Do kinh nghiệm quản lý hoặc do nóng vội trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, gây bức xúc trong dư luận.
Sau 4 lần điều chỉnh tiến độ, dự án đã phải tăng tổng mức đầu tư từ gần 8.770 tỉ đồng thành hơn 18.000 tỉ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ 2008-2013, sau 4 lần điều chỉnh, dự kiến hoàn thành 2018, vận hành, chạy thử đến hết 31-3-2019 nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính thức thời gian hoàn thành dự án.
Bình luận (0)