Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, ngày 6-6 Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư: Dự án đường Vành đai 3 TP HCM (viết tắt là đường Vành đai 3); dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu.
Chính sách đặc biệt về vốn
Theo báo cáo của Chính phủ, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội XIII của Đảng thông qua, xác định một trong 3 đột phá chiến lược là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, cùng một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn", với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc" và "Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển".
Chính phủ cho rằng theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu, tạo động lực, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên hơn 16 năm, từ thời điểm xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên (2004), Việt Nam mới có 1.163 km đường cao tốc, chưa hoàn thành mục tiêu năm 2020 có 2.000 km đường cao tốc. Tuyến vành đai vùng TP HCM chưa được đầu tư. "Do đó để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới cần tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa cao, trong đó việc đầu tư hoàn thành dự án quan trọng quốc gia đường Vành đai 3 là hết sức cần thiết và cấp bách" - báo cáo Chính phủ nêu.
Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km, bao gồm: TP HCM: 47,51 km, Đồng Nai: 11,26 km, Bình Dương: 10,76 km, Long An: 6,81 km. Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Đường Vành đai 3 được đầu tư thành đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 km/giờ với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m, được phân kỳ đầu tư theo nhu cầu vận tải và sự phát triển đô thị hai bên đường.
Dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỉ đồng được đầu tư bằng ngân sách trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương bố trí 38.741 tỉ đồng (TP HCM: 24.011 tỉ đồng, Đồng Nai: 1.934 tỉ đồng, Bình Dương: 9.640 tỉ đồng, Long An: 3.156 tỉ đồng). Ngân sách địa phương bố trí 36.637 tỉ đồng (TP HCM: 24.011 tỉ đồng, Đồng Nai: 1.934 tỉ đồng, Bình Dương: 9.640 tỉ đồng, Long An: 1.052 tỉ đồng). Trong đó, giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương bố trí 31.380 tỉ đồng; ngân sách địa phương bố trí 36.637 tỉ đồng.
Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Chính phủ dự kiến năm 2022, 2023 chuẩn bị dự án; bắt đầu từ quý III/2022 thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quý IV/2023 xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành, cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.
Với tính chất là dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, Chính phủ đề nghị QH cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về nguồn vốn, tổ chức thực hiện dự án, cơ chế chỉ định thầu, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Đường Vành đai 3 (đường dọc, đoạn qua tỉnh Bình Dương) Ảnh: Hoàng Triều
Đề xuất chỉ định thầu
Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ QH mới đây, thẩm tra về dự án đường Vành đai 3, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án với những lý do đã nêu tại tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về tính cấp bách và khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công để triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát; khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công.
Về vấn đề thu phí, cơ quan thẩm tra cho rằng dự án chỉ có thể áp dụng thu phí để thu hồi vốn đầu tư đối với đường Vành đai 3, vì vậy cần tập trung bố trí vốn ngân sách trung ương cho tuyến đường này (bao gồm cả chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) và bố trí vốn ngân sách địa phương cho các đường song hành để phù hợp với nhiệm vụ chi của các cấp theo Luật Ngân sách nhà nước.
Đối với nguồn vốn, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc Chính phủ dự kiến nguồn lực ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và việc dự kiến tiếp tục bố trí từ nguồn chưa phân bổ trong phạm vi tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm cơ bản hoàn thành dự án là phù hợp với mục tiêu, định hướng. Tuy nhiên để có thêm cơ sở QH xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ sớm trình danh mục đầu tư từ nguồn chưa phân bổ làm cơ sở phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất, bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng cho các dự án quan trọng quốc gia.
Trong báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng khẳng định việc có cơ chế, chính sách đặc biệt phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống chính sách pháp luật về xây dựng, đầu tư, kinh doanh được ban hành cơ bản đã đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai dự án, đồng thời cần tránh áp dụng quá nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, ảnh hưởng đến tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và tính tuân thủ các quy định pháp luật.
Về các đề xuất chỉ định thầu, Ủy ban Kinh tế cho rằng để tuân thủ pháp luật và bảo đảm tính cạnh tranh và môi trường đầu tư nói chung, đề nghị Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp cần thiết chỉ cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với một số gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
ĐBQH Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật:
Tăng cường kết nối giữa các địa phương
Việc đầu tư đường Vành đai 3 không chỉ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm mà còn tăng cường sự kết nối giữa các địa phương, rút ngắn quãng đường vận chuyển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trước hết là các tỉnh có dự án đi qua. Qua đó thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ trong khu vực, tạo nên không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên họp thứ 11 vừa qua, Ủy ban Thường vụ QH đã tán thành sự cần thiết, đồng thời thống nhất trình QH xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XV. Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao công tác phối hợp, giám sát giữa các cơ quan thực hiện. Đặc biệt, cần có chế tài để gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương bảo đảm được tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Đồng thời ban hành chính sách hợp lý và bồi thường thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của dự án, nhất là khu vực giáp ranh.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng kinh tế phía Nam
Vùng Đông Nam Bộ là đầu não kinh tế của cả nước khi chiếm tới 40% GDP và 40% tổng thu ngân sách nhà nước. Đường Vành đai 3 TP HCM nếu hình thành, với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao sẽ tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Khi khép kín tuyến đường này sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho các vùng và là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư tới những dự án liền kề Vành đai 3.
Việc triển khai dự án đường Vành đai 3 là cơ hội để phát triển vùng này đúng tầm, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất về phát triển kinh tế vùng khi hạ tầng giao thông được kết nối; nâng cao hơn nữa vị trí đóng góp cho nền kinh tế của vùng Đông Nam Bộ đối với nền kinh tế chung của đất nước.
Thiếu công khai dẫn đến sốt đất, đầu cơ
Ngày 30-5, sau khi nghe báo cáo của đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, QH tiến hành thảo luận tại hội trường.
Để bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện, hạn chế tối đa, gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.
ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đánh giá việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.
Hơn 85.000 tỉ đồng xây dựng đường Vành đai 4
Tại tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội của Chính phủ trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, dự án được xác định có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP (đối tác công - tư) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 85.813 tỉ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 28.200 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 28.203 tỉ đồng (TP Hà Nội 23.594 tỉ đồng, Hưng Yên 1.509 tỉ đồng, Bắc Ninh 3.100 tỉ đồng), vốn BOT 29.410 tỉ đồng. Nhằm giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường Vành đai 4 đi trên cao. Còn khoảng 39,13 km (Hà Nội 10,53 km, Hưng Yên 8,4 km, Bắc Ninh 20,2 km) được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Dự án cũng được thiết kế với 8 nút giao gồm: cao tốc Hà Nội - Lào Cai, trục Mê Linh, đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 38, cao tốc Nội Bài - Hạ Long; hoàn thiện nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất dự án đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe, mặt đường 17 m và mặt cầu 17,5 m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp). Về tiến độ, Chính phủ dự kiến thời gian chuẩn bị dự án từ năm 2021 đến 2023; triển khai bồi thường, tái định cư từ năm 2022, cơ bản hoàn thành trong năm 2024; đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành từ năm 2022 đến 2026...
Bình luận (0)