UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và TP Cam Ranh khẩn trương triển khai nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện những dự án giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Nhiệt điện Vân Phong 1).
Phạt từ 10-20 tỉ đồng/ngày
Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận về vấn đề nói trên.
Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư các dự án: Đường dây 500 KV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận); trạm biến áp 500 KV Vân Phong và đấu nối; đường dây 500 KV đấu nối trạm biến áp 500 KV Thuận Nam vào đường dây 500 KV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân. Đây là các dự án truyền tải điện trọng điểm quốc gia nhằm kịp thời giải tỏa công suất cho Nhiệt điện Vân Phong 1 và các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam.
Tuy nhiên, dự án đường dây 500 KV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân dù đã khởi công vào ngày 20-7 nhưng đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa tổ chức thẩm định, dẫn đến công tác hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng bị chậm.
Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang được xây dựng
Bên cạnh đó, các địa phương như TP Cam Ranh chưa có thông báo thu hồi đất; huyện Cam Lâm và huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa); huyện Bác Ái, Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) chưa kiểm kê, chưa có giá đất cụ thể để thực hiện việc áp giá, lập phương án bồi thường; các địa phương này chưa có chủ trương hỗ trợ đất nằm dưới hành lang tuyến…
Điều đáng nói, theo hợp đồng Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã ký với nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện dự án Nhiệt điện Vân Phong 1, tiến độ hoàn thành các dự án để nhận điện từ Nhiệt điện Vân Phong 1 không muộn hơn tháng 12-2022. Số tiền EVN phải trả cho chủ đầu tư Nhật Bản trong trường hợp chậm tiến độ đường dây 500 KV khoảng 10 tỉ đồng/ngày; từ tháng thứ 4 trở đi, chi phí khoảng 20 tỉ đồng/ngày.
Nếu tính đủ các chi phí phát sinh khác theo đúng quy định của hợp đồng thì khoản tiền phạt trong 6 tháng đầu chậm tiến độ mà EVN phải trả cho nhà đầu tư là khoảng 5.000 tỉ đồng. Quá 6 tháng, đường dây 500 KV vẫn chưa hoàn thành thì hợp đồng BOT Nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ phải mua lại nhà máy này.
Ảnh hưởng uy tín
Do có nguy cơ vi phạm hợp đồng với chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Vân Phong 1, ngày 11-8, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các bộ, ngành yêu cầu tập trung xử lý vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giải tỏa công suất cho Nhiệt điện Vân Phong 1. Trong văn bản này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, cho rằng đây là những dự án giải tỏa công suất cấp bách và đặc biệt quan trọng để đồng bộ với tiến độ dự án Nhiệt điện Vân Phong 1.
"Nếu dự án này chậm tiến độ sẽ dẫn đến vi phạm cam kết của phía Việt Nam theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, phải đền bù tài chính, gây thất thoát, thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng uy tín của Chính phủ Việt Nam với các nhà đầu tư" - văn bản của Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.
Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận phối hợp các địa phương khẩn trương cùng với chủ đầu tư thực hiện công tác kiểm kê để có căn cứ áp giá, đồng thời sớm ban hành chủ trương hỗ trợ đối với đất nằm dưới hành lang tuyến.
Các tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp khắc phục khó khăn, khẩn trương thẩm định hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng của đường dây 500 KV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân đoạn qua địa bàn Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư, công suất 2.640 MW, trên diện tích hơn 350 ha, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 2,58 tỉ USD. Theo kế hoạch, cả 2 tổ máy với tổng công suất 1.320 MW sẽ được hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023.
Bình luận (0)