Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo của Chính phủ cho thấy kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (được cập nhật đến ngày 5-5), 117 cơ quan đơn vị (34 bộ ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỉ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 50.628 tỉ đồng, còn tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp là hơn 34.000 tỉ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỉ đồng, Hà Nội đứng thứ 2 với hơn 10.287 tỉ đồng. Tiếp đến, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiết kiệm được hơn 6.558 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tiết kiệm hơn 3.999 tỉ đồng...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: THÀNH CHUNG
Trình bày báo cáo thẩm tra của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30.000 tỉ đồng; vốn trong nước khoảng 81.200 tỉ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm. Tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm. Đơn cử như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông... Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Đến ngày 24-12-2020 mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành cổ phần hóa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng báo cáo cần bổ sung đánh giá tình trạng lãng phí trong khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, tài nguyên nước; vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, báo cáo chưa chỉ rõ được những kết quả nổi bật, những tiến bộ của năm nay so với năm trước; các tồn tại, hạn chế còn chung chung, chưa rõ địa chỉ, còn nể nang, né tránh. Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần tiếp tục hoàn thiện đồng thời cần nhìn thẳng vào thực tiễn cuộc sống, bám sát vào cuộc sống để tránh hình thức, từ đó đánh giá thực chất, rõ ràng.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm, tuyệt đối an toàn, thực sự là ngày hội của toàn dân. Trong điều kiện dịch Covid-19 nhưng tỉ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt 99,57%, địa phương có tỉ lệ bầu cử thấp nhất cũng trên 98% và bảo đảm bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội, bầu đủ đại biểu HĐND các cấp.
Bình luận (0)