Tối 14-3, Tổ Biên tập của Bộ Y tế đã điều chỉnh một số điểm trong hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 được ban hành vào trưa cùng ngày. Theo đó, không có chuyện F0 được ra khỏi nơi cách ly.
Khó quản F0
Cụ thể, trưa 14-3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 với nhiều điểm mới. Cụ thể, tiêu chí lâm sàng của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được bổ sung "là người bệnh Covid-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi Covid-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc".
Bộ Y tế cũng hướng dẫn F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm như sau: F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác. Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.
Khi văn bản được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nội dung "F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly" được dư luận hiểu theo hướng người mắc Covid-19 được ra khỏi nhà.
Để tránh hiểu nhầm, Tổ Biên tập của Bộ Y tế có thông báo điều chỉnh quy định "Người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly..." thành: "Người mắc Covid-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà".
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu thực tế hiện nay, nhiều F0 không biết mình mắc Covid-19 do không có triệu chứng nên vẫn đi làm, đi ăn uống, mua sắm bình thường. Mặt khác, một số người dù đã test nhanh cho kết quả dương tính nhưng không khai báo y tế, tự ý ra khỏi nhà nên việc bảo đảm quản lý nghiêm 100% người mắc Covid-19 là rất khó khăn. "Khi chúng ta đang ở giai đoạn thích nghi để tiến tới bình thường hóa thì phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, có ý thức cao để thực hiện nghiêm biện pháp 5K bảo vệ mình và cộng đồng. Nghĩa là dù F0 hay F1 hoặc không biết mình ở tình huống nào thì ra khỏi nhà cần đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên…" - PGS Nga khuyến cáo.
Nhiều người dân ở Hà Nội đang là F0 hoặc vừa khỏi Covid-19 phải xếp hàng chờ đợi ở trạm y tế phường để khai báo y tế và test nhanh Ảnh: HUY THANH
Thanh toán chi phí điều trị Covid-19 nên quy về 1 mối
Liên quan đến việc thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19, một số cơ sở y tế cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong việc tách bạch các dịch vụ thanh toán từ ngân sách hay từ quỹ BHYT.
Theo một số bệnh viện ở Hà Nội, hiện chưa thể thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 do phụ thuộc vào quy định: Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chi phí phòng chống dịch và điều trị bệnh do ngân sách chi trả. Còn các bệnh lý thông thường khác do quỹ BHYT chi trả các thuốc, dịch vụ kỹ thuật trong danh mục.
Một lãnh đạo bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết trong quá trình điều trị cho ca mắc Covid-19, các nhân viên y tế cũng đã luôn chịu áp lực do nhân lực hạn chế, tất cả tập trung lo điều trị, không có người để tách bạch ra như Bộ Y tế hướng dẫn hay BHXH yêu cầu. "Đơn cử, bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh nền như đái tháo đường thì các thuốc điều trị đái tháo đường được BHYT chi trả. Tuy nhiên, với xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh thì rất khó để tách bạch là để điều trị Covid-19 hay điều trị đái tháo đường" - một bác sĩ phân tích.
PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho rằng việc tách bạch bệnh nền và bệnh Covid-19 để làm cơ sở thanh toán cho người bệnh rất phiền phức. Từ đầu năm 2022, bệnh viện đã cố gắng tách bệnh nền và bệnh Covid-19 để bệnh nhân được thanh toán cả 2 chế độ. Tuy vậy, việc tách bạch cũng chỉ tương đối. Nhân viên y tế có tâm lý lo lắng nếu việc phân tách không chuẩn xác thì vi phạm nhưng để làm chuẩn xác thì không xuể do bệnh nhân đông, nhân lực hạn chế.
PGS Hải cho biết bệnh viện đã nhiều lần đề xuất quy về một đầu mối thanh toán có thể là ngân sách nhà nước hoặc quỹ BHYT chi trả toàn bộ. Trong tương lai gần cũng nên xem đây là bệnh truyền nhiễm lưu hành và là một trong những mã bệnh được Quỹ BHYT chi trả như các loại bệnh khác.
TP HCM cần nhiều thuốc Molnupiravir
Chiều 14-3, tại cuộc họp định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết đa số F1 ở TP HCM có thể được đi làm ngay và phải tuân thủ quy định 5K.
Tại buổi họp báo, thông tin về việc F0 có được đi làm theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện ngành y tế thành phố đang nghiên cứu để áp dụng.
Liên quan đến thuốc Molnupiravir, theo bà Mai, hiện TP HCM có 102.224 F0 theo dõi tại nhà, nhu cầu sử dụng thuốc Molnupiravir gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thuốc miễn phí do Bộ Y tế cung cấp sắp hết. Do đó, Sở Y tế TP HCM có văn bản xin chủ trương của UBND thành phố được phép mua thuốc Molnupiravir để cung ứng miễn phí cho người dân.
H.Yến
Bình luận (0)