30 năm sau. Trong căn nhà nhỏ của ông Trương Văn Cảnh (anh liệt sĩ Trương Văn Thịnh) ở phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, gia đình và đồng đội tổ chức giỗ cho liệt sĩ Thịnh - người con nằm lại ở Gạc Ma.
"Nó còn kịp hớt tóc cho lũ trẻ!"
Hơn 10 năm rồi, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 25-1 âm lịch, các cựu binh Trường Sa quê Phú Yên, Khánh Hòa lại về giỗ đồng đội. "Chúng tôi về đây để giỗ các anh, không chỉ để anh em gặp nhau mà quan trọng hơn là để má được an ủi, rằng má vẫn còn các con ở bên" - ông Huỳnh Văn Trông, Trưởng Ban Liên lạc cựu binh Trường Sa, rưng rưng.
Căn nhà nửa để ở, nửa làm xưởng thợ mộc của gia đình ông Cảnh thường ngày ít người qua lại. Vậy mà hôm 12-3, mới mờ sáng, xe máy đã nối đuôi nhau. Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Vinh (ngụ phường 4, TP Tuy Hòa, cựu binh đảo Trường Sa Lớn giai đoạn 1985-1988) khệ nệ bưng rổ rá luồn lách vào con hẻm nhỏ. "Hôm nay biết giỗ của Thịnh, mới gà gáy, bả đã hối thúc tui chở đi chợ, mua đồ đến đây phụ nấu nướng cho kịp" - ông Vinh hổn hển.
Thương binh Trần Văn Hùng (Hùng Gô) thắp hương tưởng nhớ đồng đội Trương Văn Thịnh trong ngày giỗ
Trước khi đến nhà ông Cảnh, lần lượt từng cựu binh Trường Sa đến nhà từ đường - nơi ông Thịnh sinh ra - để thăm bà Nguyễn Thị Đảo (mẹ liệt sĩ Thịnh). 89 tuổi, mẹ Đảo không còn đi được nhưng vẫn minh mẫn. "Mấy đứa về hả con? Thằng Thịnh biết vầy chắc vui lắm!" - mẹ Đảo từ buồng hỏi vọng ra.
Những cái nắm chặt tay, những bàn tay rám nắng vuốt lên mái tóc bạc phơ cắt ngắn của mẹ Đảo có lẽ phần nào sưởi ấm tấm lòng người mẹ có đứa con biền biệt nơi xa. "Má phải khỏe lên để tới nhà tụi con chơi chớ! Như con nè, tiễn một chân, vẫn đến thăm má đó. Thịnh đi thì vẫn còn tụi con mà" - câu nói hóm hỉnh của người thương binh bị cụt một chân Trần Văn Hùng mà đồng đội hay gọi là Hùng Gô bất chợt làm người mẹ tiều tụy cũng bật cười.
10 giờ, căn nhà nhỏ của ông Cảnh như muốn vỡ tung vì nêm chặt người, chủ yếu là các cựu binh Trường Sa. Người con gà, người túi trái cây, người phong bì… cùng góp với gia đình để giỗ. "14 năm rồi, anh em đều vậy. Cảm động lắm! Gia đình đứng ra, còn đồng đội giỗ" - ông Cảnh xúc động rồi kể sau ngày 14-3-1988, gia đình chỉ nhận giấy báo ông Thịnh mất tích. Cha ông không cho giỗ với hy vọng rồi một ngày ông Thịnh sẽ về. Trong lòng ông cũng mong Thịnh bị bắt để còn có ngày về. Nhưng đợi mãi không thấy. Thương em, ông lén gia đình, đến ngày 25-1 âm lịch, giỗ em mâm cơm. Sau này, khi cha biết, ông không quở mắng, chỉ lặng lẽ khóc. Hơn 5 năm sau mới có giấy báo tử. Đồng đội ông Thịnh thành quen, cứ đến ngày này, về đây để giỗ.
Trong số đông cựu binh bỗng có ai đó như muốn phá đi cái không khí trầm buồn nên buông lời hỏi vui: "Mà ngày đó thằng Thịnh có bồ chưa anh Năm (ông Cảnh - PV)?". "Bồ gì, cái thằng suốt ngày chỉ chơi với con nít. Cái Tết, trước khi trở lại đơn vị rồi đi luôn đó, nó còn kịp hớt tóc giùm cho con nít của cả cái xóm này" - ông Cảnh kể.
Cả đám đông bỗng phá lên cười. Ai cũng biết ông Thịnh hớt tóc rất đẹp. Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh, nhờ vậy mà trước Tết năm 1988, ông Thịnh từ Trường Sa Lớn được về để hớt tóc cho anh em ở Lữ đoàn 146 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, rồi được về phép ăn Tết. Đến ngày 16-1 âm lịch, ông trở lại đơn vị rồi được điều động ra Gạc Ma và hy sinh.
Không cần nhắc nhau
Theo ông Đào Thái Thi, nguyên Trưởng Ban Liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên, tỉnh này có 2 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 là Trương Văn Thịnh và Phan Tấn Dư (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa). Cả 2 đều nhập ngũ cùng đợt 1 năm 1986 với ông và cùng đơn vị, ở gần nhau. Ông Thịnh giỗ ngày 25-1 âm lịch; còn ông Dư, đồng đội góp ý gia đình để giỗ ngày 27-1 âm lịch, cũng là ngày ông hy sinh (14-3-1988). Năm nay là năm đặc biệt. Đúng 30 năm, ngày 14-3 mới trùng 27-1 âm lịch.
"Anh em chúng tôi giờ đây không còn ai nhắc ai nữa. Cứ đến ngày 25-1 âm lịch thì tự hiểu là mình phải có trách nhiệm đến giỗ nhà anh Thịnh và ngày 27-1 âm lịch là đến giỗ nhà anh Dư. Ngày 27 năm nay trùng với ngày 14-3 nên tất cả anh em sẽ đến giỗ anh Dư rồi mới được tổ chức gặp mặt" - ông Thi nói.
Nhập ngũ cùng đợt với ông Thịnh và ông Dư, Phú Khánh (nay là 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) có đến hơn 450 chiến sĩ bổ sung cho các đơn vị ở Vùng 4 Hải quân.
Trong khi đó, mới ngày 11-3, lặng lẽ trong ngôi nhà của mình ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, người thương binh Nguyễn Văn Dũng đã chuẩn bị những vật phẩm để về giỗ 2 ông Thịnh và Dư cũng như lo cho mẹ Lê Thị Niệm (mẹ liệt sĩ Dư). Theo ông Dũng, 2 đồng đội của ông hy sinh và được gia đình tổ chức giỗ từ 30 năm trước nhưng đồng đội giỗ 2 ông chỉ 14 năm nay. Bởi đến năm 2005, sau bao năm lưu lạc, kiếm sống, ông nhờ đồng đội đưa ra Phú Yên tìm lại gia đình ông Dư. Ông xin má Niệm nhận mình làm con nuôi để phụng dưỡng, được cùng đồng đội giỗ cho ông Dư, mong má được an ủi.
Ông Dũng và ông Dư là bạn thân, nhập ngũ cùng ngày, ở chung đơn vị, cùng phòng. "Hôm đó, tôi đã nhận lương khô và đồ đạc để vào balô ra đảo. Chiều trước ngày lên đường, thủ trưởng gọi tôi lên hỏi xem đã sẵn sàng chưa. Tôi dõng dạc: "Sẵn sàng". Nhưng cái giọng khàn đặc vì viêm họng của tôi đã bị thủ trưởng phát hiện. Tôi bị đuổi về phòng và yêu cầu gọi Dư lên. Rồi Dư đi và nằm lại ở đảo. Dư đã đi thay cho tôi" - ông Dũng xúc động. Từ năm 2005 đến nay, gần như tháng nào ông cũng ra thăm và lo từng lon sữa cho mẹ Niệm.
Tưởng niệm đồng đội
Cựu binh Lê Hữu Thảo (ngụ phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) - nhân chứng sống trong trận Gạc Ma - cho biết sáng 13-3, ông cùng 17 đồng đội còn sống trong trận Gạc Ma sẽ tổ chức giỗ các đồng đội đã hy sinh và thăm hỏi, động viên thân nhân của 7 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến này. Sau đó, tại cảng biển Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), các đồng đội, gia đình thân nhân liệt sĩ sẽ cùng lên tàu ra biển thả vòng hoa làm lễ tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh. Trước đó, tối 12-3, ông Thảo cùng đồng đội và thân nhân các liệt sĩ đã tổ chức thả hoa đăng tưởng niệm tại cửa biển Cẩm Xuyên.
UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 14-3 sẽ tổ chức lễ dâng hương hoa tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa, sau đó đến thăm gia đình của các liệt sĩ Võ Đình Tuấn, Đinh Ngọc Doanh và anh hùng Trần Văn Phương.
B.ANH - K.NAM
Kỳ tới: Cựu binh ngày trở về
Bình luận (0)