Liên tiếp trong 5 ngày qua, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm cách tiếp cận những nơi có trách nhiệm liên quan trực tiếp đến vi phạm kéo dài với quy mô lớn (gần 500 biệt thự và nhà liên kế xây "chui") tại dự án khu dân cư Tân Thịnh (do Công ty CP Đầu tư LDG làm chủ đầu tư) là UBND xã Đồi 61, UBND huyện Trảng Bom và Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai nhằm trao đổi, làm rõ trách nhiệm và phương án xử lý công trình "chui" và cán bộ để xảy ra sai phạm. Thế nhưng, những nỗ lực của chúng tôi đều bất thành.
Đua nhau "tránh né"
Cụ thể, chúng tôi gặp Phó Chủ tịch UBND xã Đồi 61, vị này thừa nhận "mới phát hiện" vi phạm tại đây (cụ thể là cuối năm 2019) dù công trình khu đô thị này xây dựng không phép trong nhiều năm qua và nói rằng không thể trả lời thêm vì quyền phát ngôn là của chủ tịch UBND xã.
Đến khi liên lạc ngay với ông Trương Kính, Chủ tịch UBND xã Đồi 61, qua điện thoại thì ông cho biết không thể trả lời ngay vì đang đi công tác không về trụ sở và cho hay toàn bộ sự việc liên quan đều đã được xã báo lên cấp trên kiểm tra, xác định sai phạm và có hướng xử lý theo quy định của pháp luật. "Vì chưa có thời gian nên không thể nói cụ thể chi tiết" - ông chủ tịch xã nói và cho biết thêm ông cũng chỉ mới nhận vị trí lãnh đạo tại xã chưa lâu, nếu để nói cụ thể hơn thì cần phải có thời gian để tập hợp tư liệu.
Gần 500 căn biệt thự và nhà liên kế được xây dựng “chui” ở Đồng Nai Ảnh: XUÂN HOÀNG
Liên lạc với bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, nhằm làm rõ sai phạm tại huyện trong thời gian qua, tuy nhiên bà Châu từ chối gặp với lý do bận công tác và đề nghị đăng ký để lại thông tin tại bộ phận tiếp nhận thông tin của huyện và sẽ trả lời sau. Chúng tôi đề nghị bà sắp xếp một lịch hẹn gặp trực tiếp lãnh đạo nhưng bà Châu không chấp nhận.
Tương tự, tại Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, chúng tôi liên hệ ông Lê Mạnh Dũng, phó giám đốc phụ trách sở - người phát ngôn của sở (sở chưa có giám đốc - PV), nhưng ông không nghe máy. Chúng tôi đăng ký với văn phòng sở để gặp lãnh đạo nhưng người phụ trách tại đây cho hay tất cả lãnh đạo đều đi họp. Chúng tôi đề nghị bộ phận này liên lạc xin ý kiến lãnh đạo để sắp xếp hẹn gặp nhưng bộ phận này cho hay "không thể" liên lạc khi lãnh đạo đang họp, chỉ có thể báo cáo lại thông tin khi lãnh đạo họp xong trở về nhiệm sở.
Như vậy, đúng 2 tháng kể từ khi Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt (ban hành ngày 4-9) các vi phạm tại dự án trên, đến nay phương án xử lý hậu quả sai phạm vẫn chưa được công bố cụ thể.
Lập luận... ngược đời
Trong khi đó, trong một phản hồi liên quan đến dự án, chủ đầu tư cho hay khu dân cư Tân Thịnh được công ty đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 18 ha. Vừa qua, Thanh trở Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã xử phạt hành chính đơn vị này với hành vi xây dựng khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Về việc này, công ty cho rằng dự án khu dân cư ban đầu là dự án đất nền nhưng trước tình trạng "đất nền bị phân lô tràn lan, không có người ở gây hoang hóa nên tỉnh Đồng Nai đã khuyến khích các chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng để bảo đảm mỹ quan đô thị".
Chính vì vậy, công ty đã đầu tư để xây dựng nhà phố xây sẵn, thay vì bán đất nền theo kiến trúc được phê duyệt. Công ty cho rằng dự án này tính đến thời điểm hiện tại đã được cấp phép đầu tư, được Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đã được thẩm định thiết kế cơ sở. Công ty còn khẳng định căn cứ theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, điều khoản áp dụng từ ngày 15-8-2020 quy định việc miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng thì dự án nằm trong đối tượng này được miễn giấy phép xây dựng (?!).
Theo đó, công ty biện minh với quy định được miễn giấy phép xây dựng nên đã tiến hành thi công song song với việc hoàn thiện pháp lý. Tuy nhiên vì thủ tục pháp lý chậm hơn so với khối lượng nhà thầu thi công... dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục triển khai xây dựng trước khi đủ điều kiện thủ tục theo quy định. Chủ đầu tư dự án này cũng cho rằng "nguyên nhân của việc thủ tục pháp lý chậm là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng một số nguyên nhân khách quan khác".
"Rõ ràng việc xây dựng đã được họ tiến hành từ vài năm trước trong khi họ lại viện dẫn Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, điều khoản áp dụng từ ngày 15-8-2020 để tránh né. Viện dẫn vậy là viện dẫn liều, lập luận ngược đời" - ông Nguyễn Đô (ngụ ở xã Đồi 61) bức xúc nói.
Nói vậy sao người dân tin!
Ông Phạm Hạnh Phúc - cán bộ hưu trí, hiện sinh sống tại Đồng Nai - cho rằng trách nhiệm và cách xử lý của địa phương, của ngành liên quan xem ra "quá nhẹ nhàng". Ông cho rằng với tình trạng xây dựng trái phép, không phép tràn lan ở một địa bàn rất "nóng" như Đồng Nai thời gian qua thì cần phải có các biện pháp xử lý mạnh tay, quyết liệt, rốt ráo đối với cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý cũng như đối với các nhà đầu tư cố tình vi phạm.
Cũng theo ông Phúc, việc xây dựng cả khu dân cư, khu đô thị "chui" trong thời gian dài như thế mà chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan lại nói không hay biết, không kiểm tra được thì làm sao người dân tin!
Bình luận (0)