Khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, BS này ký hợp đồng cam kết làm việc ít nhất 12 năm, được trợ cấp 350 triệu đồng (gồm 250 triệu đồng do tốt nghiệp đại học loại giỏi và 100 triệu đồng hỗ trợ mua đất làm nhà ở). Nếu nghỉ trước thời hạn này, BS phải đền bù gấp đôi. Nay với lý do gia cảnh, BS này xin nghỉ, phải bồi thường 655 triệu đồng (gồm 58 triệu bồi thường cho bệnh viện và 597 triệu bồi thường cho UBND tỉnh).
Cũng trong thời gian gần đây, khi rộ lên tình trạng cán bộ, công chức (CBCC) nghỉ việc nhiều vì lương thấp, vấn đề tiền lương cho họ lại được xới lên. Nhiều ý kiến cho rằng với chính sách tiền lương hiện hành, nếu CBCC chấp nhận ở lại, nếu không vì cái danh hoặc tìm cơ hội tiến thân thì đó có thể là sự an phận, chờ đủ năm kiếm lương hưu… Thực tế, ở nhiều vùng nông thôn, đa số giáo viên dù lương ít ỏi vẫn chấp nhận, họ đắp đổi thêm bằng làm ruộng, nuôi heo, coi đó là niềm vui sống. Bị cho nghỉ việc - như hàng trăm giáo viên ở Thanh Hóa, Đắk Lắk vừa qua - họ thấy mất mát, hụt hẫng rất nhiều, cái phao bấu víu nhỏ nhoi cũng tuột khỏi tay.
Đến giờ này, bài toán về lương CBCC vẫn không có lời giải đúng khi số người ăn lương ngân sách quá lớn, các đơn vị dù được cho phép linh hoạt quỹ lương hợp đồng, làm dịch vụ vẫn không có mô hình điểm và đặc thù mỗi nơi mỗi khác, khó vận dụng đại trà. Không ai đi tìm mẫu số chung khi sự biến động của hoàn cảnh là yếu tố quyết định hơn là ý chí phấn đấu và lòng yêu nghề của từng người.
Sẽ là khập khiễng khi so sánh thu nhập mỗi tháng của nhân viên hải quan với một giáo viên tiểu học. Về lương, họ hưởng theo ngạch bậc thì không chênh lệch nhiều nhưng ai cũng biết là rất cách biệt về thu nhập thực tế. Nhiều ngành khác có "màu" cũng tương tự, là lý do để người ta "chạy" vào, tốn kém hàng trăm triệu đồng với suy nghĩ được nhận vào sẽ kiếm lại bù đắp khoản "đầu tư" đó. Nếu được nhận vào làm việc, hệ thống sẽ có thêm một CBCC tha hóa, luôn tìm cách vòi vĩnh, nhũng nhiễu để kiếm tiền bất chính.
Trong câu chuyện tiền lương, thu nhập và đạo đức công vụ, cần tinh giản biên chế trước mới có thể cải cách tiền lương. Phải giảm đầu mối nhân sự cồng kềnh, thay đổi tư duy biên chế suốt đời, tạo nhận thức mới về người và nghề. Thậm chí, phải biết chấp nhận để có đổi thay có lợi cho xã hội, chẳng hạn bỏ biên chế trong một số ngành, lĩnh vực, tại sao không?
Xét cho cùng, đời người vẫn là đi giữa đôi bờ danh và thực. Nếu phải chấp nhận mà sống với hư danh trong khi không dồi dào tiền của hoặc ngược lại, đều là lựa chọn của từng người. Cứ mong chờ hay đòi hỏi một cách cực đoan khi chưa đóng góp cho xã hội bao nhiêu đều là không nên. Với từng CBCC, không gì hơn là giữ mình trong sạch, nỗ lực làm việc nuôi sống gia đình và bản thân, tích cực đóng góp cho xã hội. Từ đó lương tâm thanh thản, không nơm nớp âu lo điều sẽ đến như những người tay trót nhúng chàm, làm điều sai trái, vi phạm pháp luật.
Bình luận (0)