Ngày 3-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận đối với tờ trình của Chính phủ về việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Kế hoạch).
Thiếu tiền, lo đầu tư dàn trải
Góp ý Kế hoạch, đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng nếu đồng ý cho chia phần vốn dự phòng sẽ thiếu khoảng 155.000 tỉ đồng, trái với quy định của Luật Đầu tư công và làm cho các dự án đang triển khai đã thiếu tiền càng thiếu thêm, các dự án mới cũng không có nhiều tiền để thực hiện. Nếu phân bổ dự phòng thì mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương của năm 2020 sẽ là 372.000 tỉ đồng, trong khi chỉ thu xếp được 217.000 tỉ đồng.
Các đại biểu thảo luận kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vào ngày 3-6
"Nếu quyết tâm thực hiện số chi này thì hệ quả sẽ là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin - cho và xin - cho là chắc chắn khi cam kết chi vượt khả năng thu xếp tiền" - ĐB Hàm cảnh báo. Hầu hết dự án mới không đủ điều kiện để đưa vào Kế hoạch; nhiều dự án chưa đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên theo các nghị quyết của QH. "Chính phủ cần quyết tâm hơn, QH cần nghiêm khắc hơn, không nên để tình trạng này xảy ra thêm lần nữa" - ĐB Hàm đề nghị.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) lưu ý việc bổ sung khoảng 400 dự án mới từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch theo phương án được trình chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền nên chưa thể làm rõ về sự cần thiết, mức độ khả thi, hiệu quả cũng như thời gian thực hiện. Đặc biệt, chưa xác định rõ nguồn vốn, khả năng cân đối vốn để thực hiện dự án.
Đồng tình, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu: Nguyên tắc trong quản lý ngân sách là nếu không bảo đảm về nguồn thì phải giảm chi. "Nếu cứ bổ sung dự án khi không có nguồn sẽ dẫn đến dàn trải, kém hiệu quả trong đầu tư công" - ông Lâm lo ngại.
Dành rất nhiều tiền trả nợ và còn trả tiếp
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đất nước đang trong quá trình phát triển nên nhu cầu cho đầu tư rất lớn. Hiện đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư cho 5 năm, chỉ còn nguồn dự phòng. "Các địa phương, bộ, ngành hiện đang có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, từ giao thông cho đến hạ tầng xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu… Rất nhiều nhưng không thể làm được vì không có tên trong danh mục dự án mà QH đã quyết định" - ông Dũng phân trần.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kế hoạch mới tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước. Trong 9.600 dự án triển khai thì chỉ có 400 dự án mới được khởi công, còn lại là trả nợ và thanh toán cho các dự án chuyển tiếp. "Trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông và hiện nay vẫn đang còn nợ hơn 20.000 tỉ đồng. Như vậy, còn phải giải quyết tiếp trong nhiệm kỳ tới, có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết nợ của ngành giao thông" - Bộ trưởng Dũng giải trình.
Đối với ý kiến của các ĐB về việc thuyết minh của Chính phủ thiếu thuyết phục, theo bộ trưởng, việc phân bổ khoản dự phòng là dự kiến trước kế hoạch để triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Nếu không chuẩn bị trước thì không thể có dự án để khi có nguồn lực là có thể phân bổ ngay, giải ngân ngay. "Đây cũng là khắc phục việc giải ngân chậm mà QH đã nêu rất nhiều trong mấy ngày qua" - ông Dũng lý giải.
Về câu hỏi của ĐB "nguồn lực lấy ở đâu ra?", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận "đây là câu hỏi rất lớn". "Nếu phân bổ hết vốn dự phòng này, so với kế hoạch được phê duyệt thì chúng ta thiếu 155.000 tỉ đồng. Nhưng đang có rất nhiều dự án không triển khai được. Mỗi năm, tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 80%, như vậy còn khoảng 20% không giải ngân hết. Công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam cũng chỉ còn hơn 1 năm nữa nhưng gần 80.000 tỉ đồng ở đó không giải ngân hết. Đó là chắc chắn!" - Bộ trưởng cho biết.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết tổng thể thì Chính phủ đã nêu nhưng cụ thể giảm thế nào, giảm công trình nào để lấy tiền chuyển sang công trình khác thì chưa chỉ ra được. Theo ông Hiển, Chính phủ thu hồi được bao nhiêu thì đồng thời bố trí những dự án cần thiết, cấp bách theo đúng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, các nghị quyết của QH và kết luận của Ủy ban Thường vụ QH; cũng như khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết trong báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra.
Lùi sửa Luật Đất đai
Cùng ngày 3-6, QH thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình năm 2019. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết Chính phủ đề nghị rút dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình năm 2019 và sẽ trình QH vào thời điểm thích hợp.
Ủy ban Thường vụ QH đề nghị không rút dự án luật này ra khỏi chương trình như Chính phủ đề nghị mà lùi thời gian trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020).
Chưa đủ một nửa số ĐB muốn cấm uống rượu, bia khi lái xe
Chiều 3-6, QH đã biểu quyết về 3 nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Nội dung 1, quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông. Với phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, chỉ có 214 ĐB đồng ý (tỉ lệ 44,21%).
Nội dung 2, quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ với 2 phương án: quy định cấm từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau và không quy định. Cả 2 phương án đều không đủ 50% ĐB đồng ý.
Nội dung 3, quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình. Kết quả phương án cấm từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em được 72,53% ĐB đồng ý.
Cùng ngày, với 79,13% ĐBQH có mặt tán thành, QH quyết định chọn giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em vào năm 2020.
Bình luận (0)