Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-5, ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), cho biết TTCP sẽ làm việc với UBND TP HCM về việc thất lạc bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT - TP HCM) tỉ lệ 1/5.000. Bản đồ quy hoạch KĐTMTT tỉ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ được cho là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án.
Bên nói có, bên nói không
Ông Bùi Ngọc Lam cho hay đã nắm được sự việc qua thông tin báo chí, TTCP sẽ phối hợp và làm việc với TP HCM trong thời gian sớm nhất, khi có kết luận chính thức sẽ công bố với công luận.
Ở một diễn biến khác, chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương - TTCP, lại cho biết liên quan đến việc thất lạc bản đồ quy hoạch KĐTMTT tỉ lệ 1/5.000, chính quyền TP nên có trả lời thẳng thắn với người dân là "không có bản đồ quy hoạch chứ không phải thất lạc". Ông Điệp cho rằng đã không có thì có tìm lâu hơn nữa cũng không thấy được. Dẫn chứng về việc này, ông Điệp nói trước đó, UBND TP HCM, các bộ - ngành liên quan như Bộ Xây dựng đã tổ chức "tìm kiếm" bản đồ quy hoạch nhưng đều không thấy.
Theo ông Điệp, không thể có chuyện một bản đồ quy hoạch mà các ban - ngành chức năng tìm trong thời gian lâu như vậy, rồi lại trả lời là "không tìm thấy". Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương cho biết dai dẳng nhiều năm qua, đơn vị thường xuyên tiếp các đoàn công dân ở Thủ Thiêm đến khiếu nại về vấn đề thu hồi đất. Vấn đề khiếu nại tập trung vào việc đất của người dân nằm ngoài quy hoạch nên không đồng ý việc di dời. "Ngay thời điểm hiện tại, vẫn có các đoàn công dân ở Thủ Thiêm đến trụ sở Ban Tiếp công dân trung ương để khiếu nại, vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nay" - ông Điệp thông tin.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo của UBND TP HCM trưa 2-5, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, cho hay đến giờ vẫn tìm chưa ra bản đồ trên. "TP đã chỉ đạo các sở - ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và cũng có văn bản hỏi các bộ - ngành trung ương nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy" - ông Nhã nói. Theo ông Nhã, từ năm 1996 đến nay, đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên không lưu trữ bản đồ này.
Còn Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan khẳng định bản đồ KĐTMTT chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu chứ không phải là không có, các bộ - ngành cũng đang cố gắng tìm. "Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định thì mới được phê duyệt. Rất tiếc, hơn 20 năm rồi, không hiểu lúc ấy công tác lưu trữ làm như thế nào, đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch đó. Quyết định 367 kèm theo bản đồ là cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được" - ông Hoan nhấn mạnh. Theo ông Hoan, TP đã chỉ đạo phải tìm bằng được và nghe nói đã tìm thấy bản photocopy chứ không phải bản gốc, bản màu.
Tương tự, kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, nói rằng việc thất lạc có thể xảy ra là vì việc lưu trữ hồ sơ thời trước còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, diện tích làm việc và lưu trữ của cán bộ thực tế không được như quy định nên hồ sơ không được lưu trữ cẩn thận dẫn đến thất lạc và có thể đang nằm ở đâu đó mà chưa tìm ra.
KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP HCM, cho biết về quy trình phê duyệt quy hoạch KĐTMTT thì KTS trưởng TP (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) sẽ trình UBND TP. Sau đó, UBND TP trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt. Như vậy, ít nhất có 3 nơi này sẽ lưu giữ bản đồ quy hoạch KĐTMTT lúc chưa được phê duyệt và sau khi phê duyệt. Sau khi được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thì Chính phủ gửi ban hành cho Bộ Xây dựng và UBND TP là đơn vị trình và thẩm định quy hoạch chính thức. Vì vậy, phải xem lại quyết định phê duyệt của Thủ tướng có gửi kèm bản đồ hay không, hay chỉ gửi mỗi quyết định phê duyệt quy hoạch? Thủ tướng chỉ ký vào quyết định phê duyệt quy hoạch chứ không ký vào bản đồ, mà bản đồ chỉ đi kèm quyết định. Do đó, cũng có thể xem là không có khái niệm bản đồ gốc có ký phê duyệt của Thủ tướng trên bản đồ.
Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP HCM lên tiếng
KTS Lê Văn Năm - nguyên KTS trưởng TP - chia sẻ ông chính là người trình UBND TP đề án quy hoạch KĐTMTT để làm căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ. Theo nguyên tắc, khi TP trình dự thảo thì phải trình luôn bản đồ để các bộ, ngành có thể đóng góp ý kiến, đề nghị sửa đổi, bổ sung.
Nói vậy để thấy là có bản đồ khi trình Chính phủ, bởi Thủ tướng Chính phủ phải nhìn trên bản đồ mới thấy được quy hoạch các phân khu chức năng của khu đô thị như thế nào rồi mới phê duyệt được. "Sau đó, Văn phòng Chính phủ chuyển về cho UBND TP thì tôi không nhớ (do tuổi đã cao) là có chuyển bản đồ hay không" - KTS Lê Văn Năm nói.
Ông Năm đặt vấn đề là từ nguồn nào mà bà con có được tấm bản đồ 1/5.000 để nói rằng nhà mình nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTMTT? Phải có tài liệu, chứng lý gì đó thì người dân mới đi khiếu kiện cả chục năm như vậy. Bản quy hoạch Thủ Thiêm đang làm hiện nay là từ kết quả của cuộc thi, nếu không có bản đồ 1/5.000 thì lấy cơ sở pháp lý nào về ranh để tổ chức cuộc thi? Nói vậy để thấy là phải có tờ bản đồ quy hoạch 1/5.000 chứ không thể không có.
Các kiến trúc sư khẳng định không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 thì dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm không thể được Chính phủ phê duyệt. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bản đồ 1/2.000 có thể thay thế 1/5.000
Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định KĐTMTT đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch, lần gần đây nhất là năm 2005. Quá trình triển khai dự án, thu hồi mặt bằng... được thực hiện theo bản đồ quy hoạch năm 2005. Còn bản đồ bị thất lạc là năm 1996. Do vậy, các công tác triển khai hiện nay không thực hiện theo bản đồ đã mất mà theo bản đồ năm 2005. Nói về trách nhiệm để làm thất lạc bản đồ, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết đây là một phạm trù khác, cần tách bạch để làm rõ trách nhiệm về lưu trữ.
Về mặt chuyên môn, KTS Khương Văn Mười nhấn mạnh bản đồ quy hoạch 1/2.000 hoàn toàn có thể thay thế được cho bản đồ quy hoạch 1/5.000. Trong đó, bản đồ 1/2.000 chi tiết hơn, chính xác và đầy đủ hơn. "Tôi nghĩ rằng nếu mất bản đồ 1/2.000 mà chỉ còn 1/5.000 thì có thể nói; chứ nếu còn bản đồ tỉ lệ 1/2.000 thì quá tốt do bản đồ này kỹ hơn. Lấy bản đồ 1/2.000 để xem xét thi công là hợp lý" - KTS Mười nhấn mạnh.
KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng bản đồ 1/5.000 hay bản đồ 1/10.000 là bản đồ quy hoạch chung đô thị chỉ có tính chất định hướng về quy hoạch chứ chưa có chi tiết. Ví dụ như quy hoạch KĐTMTT, khu đô thị Bắc Củ Chi… là khu đô thị mới với những chức năng gì, mật độ giao thông, dân số bao nhiêu. Sau khi quy hoạch chung đô thị được phê duyệt thì mới làm quy hoạch phân khu đô thị 1/2.000, lúc này mới đi đo đạc và có ranh chính thức. Ranh này sẽ biết được cắt qua đâu, phạm vi nào. Khi nào vào đến quy hoạch chi tiết đô thị 1/500 thì mới chính thức phân lô quy hoạch.
Đã giải tỏa 99% diện tích
KĐTMTT tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, với tổng diện tích 657 ha. Dự án được phê duyệt từ năm 1996, được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế. Đến năm 1998, UBND TP ban hành bản đồ quy hoạch chi tiết KĐTMTT 1/2.000.
Để đầu tư xây dựng dự án, TP đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. TP cũng đã huy động gần 30.000 tỉ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. Trong văn bản gửi Thủ tướng năm 2015, UBND TP cho biết tổng vốn đầu tư vào KĐTMTT để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỉ đồng.
Hiện tại, 99% diện tích đất tại KĐTMTT đã được bồi thường giải tỏa, 382 ha đất phát triển nhà ở và 334 ha đất khác để phát triển các khu thương mại đã sẵn sàng, đường sá dần hoàn thiện.
Bình luận (0)