* Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 6, với 90,49% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), "chốt" chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6% - 6,5%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, theo ông, cơ sở nào để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng này?
- GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: Dự báo từ các tổ chức quốc tế cho thấy năm 2024, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế thế giới đang hiện hữu.
GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Vì vậy, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2024 cũng sẽ gặp vài thách thức. Tuy nhiên, có những cơ sở để kỳ vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024.
Đó là việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô năm 2023 khá hiệu quả. Việt Nam đã đi ngược xu thế của thế giới với việc giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát tốt và giữ ở mức thấp, nợ công rất thấp. Đối với nợ doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã có hàng loạt giải pháp để tháo gỡ và giúp trái phiếu DN ổn định, tạo được niềm tin mới. Các chính sách điều hành vĩ mô cũng như nền kinh tế đang ở trạng thái ổn định và bền vững. Nền kinh tế có xu hướng tăng đều đặn, liên tục từ quý I đến quý IV/2023. Đặc biệt trong quý IV, một số tín hiệu về thị trường, về xuất khẩu cũng tăng.
Mặt khác, Việt Nam đang đứng trước các cơ hội như: Xu thế về phát triển kinh tế, dịch chuyển kinh tế mới; Việt Nam - Mỹ trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, những xu thế đầu tư mới bắt đầu mở ra, không chỉ Mỹ mà DN các nước cũng hướng đầu tư vào Việt Nam theo hướng giá trị mới, giá trị cao. Việt Nam đang chuyển hướng tái cơ cấu kinh tế, theo hướng không chỉ trông chờ vào thị trường bên ngoài mà còn khơi thông thị trường trong nước, xuất khẩu dịch vụ, mở rộng cơ chế chính sách cho du lịch, kỳ vọng năm 2024 thị trường sẽ phát triển mạnh.
Đối với đầu tư trong nước, chúng ta đang kích cầu đầu tư công. Những "nút thắt" chính sách liên quan đất đai, bất động sản làm cản trở tăng trưởng kinh tế cũng đang được tháo gỡ dần.
Từ những yếu tố tác động bên ngoài cùng với nguồn lực bên trong và việc thay đổi, hoàn thiện về mặt thể chế, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6% - 6,5% không phải là quá khó. Chắc chắn năm 2024, chúng ta sẽ giữ được đà tăng trưởng như quý III/2023.
* Vậy chúng ta phải làm gì để nắm bắt, tận dụng thời cơ, thưa ông?
- Trước hết, về mặt thể chế, phải tiếp tục quyết liệt hoàn thiện, tháo gỡ những "nút thắt" để khơi thông nguồn lực trong nước cũng như nắm bắt nhanh được những cơ hội đầu tư mới từ nước ngoài. Tăng thêm các chính sách mới, như tiếp tục hỗ trợ DN và tiêu dùng, tiếp tục giảm thuế GTGT cũng như các chính sách hỗ trợ khác theo chu kỳ tài khóa ngược để tiêu dùng tăng lên, DN có điều kiện phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Thu hoạch cá tra xuất khẩu Ảnh: VĨNH KỲ
Đồng thời, Việt Nam cần nắm bắt nhanh cơ hội của các thị trường mới để mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Cùng với đó là phải tái cấu trúc DN. Thời gian qua, khi thị trường khủng hoảng, phải phân bố lại chuỗi cung ứng, đây là cơ hội để DN tái cấu trúc. Vài năm vừa qua, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN bị đình trệ do thị trường tiêu thụ khó khăn, công nghệ, phương thức sản xuất lỗi thời. Nhưng bây giờ là thời điểm để DN thay đổi và bước vào phương thức làm ăn mới.
* Ông đánh giá thế nào về những giải pháp của Chính phủ đưa ra để đạt được mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024, trong đó có mục tiêu tăng trưởng?
- Giải pháp Chính phủ đưa ra khá toàn diện. "Nút thắt" lớn nhất của ta chính là thể chế. Tôi đánh giá rất cao sự quyết liệt cũng như hành động của Chính phủ trong việc tháo gỡ "nút thắt" này.
Mục tiêu và kết quả tăng trưởng GDP của nước ta từ năm 2018 đến nay
Tuy nhiên, có những vấn đề nằm trong tầm của Chính phủ và các bộ, ngành - như: sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư; tăng phân cấp, phân quyền - song cũng có những thứ lại thuộc về hệ thống luật pháp. Ví dụ, hiện nay, quy định "cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép" nhưng vẫn còn những văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, không phù hợp với thực tế mà họ phải áp dụng trong quá trình thực thi công vụ.
Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên:
Đầu tư công cần được "bung ra" mạnh hơn
Vốn đầu tư công là nguồn lực, động lực để phát triển KT-XH. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023 cũng như năm 2024, đầu tư công cần "bung ra" mạnh hơn nữa nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Chính phủ cần tiếp tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giải ngân vốn đầu tư công. Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư, giải ngân; cần rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào dự án không hiệu quả, chưa cần thiết, gây lãng phí.
Cùng với giải ngân đầu tư công, cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản để giải phóng nguồn lực từ thị trường này.
Ông TRẦN VĂN LÂM, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang:
3 trụ cột tăng trưởng rất lạc quan
Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6% - 6,5% là khả thi, vì xét từ 3 trụ cột tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều rất khả quan.
Xuất khẩu trong thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi rất tốt, có triển vọng. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu nước ta là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, khối lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu theo Nghị quyết 43 được đưa vào nền kinh tế phát huy hiệu quả sẽ tác động lớn tới thị trường.
Năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều này cũng tạo sức cầu lớn, do đó, nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm nay. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ đà đầu tư. Theo đó, nếu như không có những yếu tố tác động ngược chiều, đột biến thì mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn mới đây, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Thủ tục hành chính đối với sản xuất - kinh doanh, hoạt động của DN trong một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà.
Vì vậy, Thủ tướng cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý trên các lĩnh vực cũng như các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và DN. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính.
Bình luận (0)