Theo thống kê của ngành đường sắt, trên cả nước có hơn 5.500 vị trí đường sắt giao cắt với đường bộ, trong đó hơn 70% là đường tự phát nên ít có gác chắn, đèn tín hiệu. Do vậy, tai nạn đường sắt cũng thường xảy ra ở những điểm giao cắt nguy hiểm này.
Trong năm 2020, có 91 vụ tai nạn đường sắt làm chết 71 người. Còn năm 2019 xảy ra 257 vụ, làm chết 110 người. Có những vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết cả chục người.
Hiện trường vụ tai nạn ở Quảng Ngãi - Ảnh: TỬ TRỰC
Nguyên nhân tai nạn được ngành đường sắt phân tích nhiều: sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông khi cố vượt đường ngang, hệ thống thông tin cảnh báo đã lạc hậu, các địa phương không ngăn chặn được đường ngang tự phát... Nhưng diễn giải đến đâu cũng không thể lảng tránh thực tế là còn nhiều yếu kém trong quản lý vận hành hệ thống giao thông đường sắt, trong đó có sự thiếu chuyên nghiệp của không ít nhân viên ngành này.
Trong vụ tai nạn thương tâm trên, qua hình ảnh camera ghi lại hiện trường có thể thấy nguyên do chính là nhân viên trực gác tại đường ngang này đã không cảnh báo kịp thời và không hạ gác chắn khi tàu hỏa đi qua. Không có gác chắn cảnh báo, người lái không nhìn thấy tàu hỏa đang lao đến và tai nạn xảy ra.
Tai nạn là điều bất hạnh ngoài mong muốn nhưng có thể giảm thiểu nếu những người liên quan làm hết chức trách của mình. Cách đây vài ngày, 2 cháu nhỏ ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị rơi xuống hố công trình thi công cột điện chết đuối. Đáng trách là hố sâu ở công trình này đang thi công dang dở, sát mép đường nhưng không được rào chắn hoặc gắn biển cảnh báo. Không chỉ các cháu bé mà bất cứ ai đi ngang khu vực này đều có thể trở thành nạn nhân của sự vô trách nhiệm này.
Chỉ một sự hời hợt, cái giá phải trả quá đau đớn. Cách đây chưa lâu, ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một người mẹ trẻ dắt con trai hơn 4 tuổi ra đồng thu hoạch đậu phộng. Trong lúc chơi đùa cạnh rẫy, cháu bé rơi xuống cống hộp tử vong. Cống này nằm trong hệ thống công trình nâng cấp tuyến đường ven biển do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị thi công phân đoạn này là Công ty CP Đầu tư Thành Công. Công trình làm dang dở nhưng khu vực này không được gắn biển cảnh báo, cống không được đậy nắp. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức điều tra, xử lý trách nhiệm những người liên quan.
Trở lại câu chuyện của ngành đường sắt, mối nguy hiểm ở các đường ngang đã được cảnh báo từ hàng chục năm qua. Ngành này cũng đã có kế hoạch giảm thiểu tai nạn đường sắt đến năm 2025 với tổng chi phí đầu tư gần 7.400 tỉ đồng. Dù kinh phí đầu tư lớn như thế nhưng đội ngũ không chuyên nghiệp, nhân viên tắc trách và người quản lý thiếu trách nhiệm thì cũng khó ngăn được tai nạn xảy ra. Vì vậy, xử lý nghiêm những người liên quan không là biện pháp mạnh nhằm cảnh báo đến những người có trách nhiệm thực thi nghiêm túc chức trách để không phải trả giá đắt bằng sinh mạng của con người.
Bình luận (0)