Không thể tránh cuộc trả đũa của Iran, nhưng tôi cho rằng bản thân Iran không hoàn toàn muốn gia tăng xung đột trong bối cảnh hiện nay. Về phía Mỹ, dù đang "căng lên" và đe dọa tiếp tục tấn công song nước này, cũng không muốn sa đà vào cuộc chiến tranh hao tiền tốn của và nhiều rủi ro. Tất nhiên, Mỹ vẫn sẽ sẵn sàng cho những biện pháp ngắn hạn, nhanh chóng, dựa trên lợi thế sức mạnh quân sự lớn nhất để đạt được mục tiêu dài hạn.
Quan sát địa chiến lược ở Trung Đông, dễ thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Trong bối cảnh đó, tác động đến kinh tế thế giới từ leo thang căng thẳng Mỹ - Iran sẽ tập trung vào hai điểm quan trọng nhất là đường thông thương trên biển và mỏ dầu. Tôi không nghĩ eo biển chiến lược Hormuz - nơi các tàu chở dầu đi qua - sẽ là nơi xảy ra chiến tranh mà nghiêng nhiều hơn đến khả năng gây ra những cản trở, bắt giữ, trao trả từ hai phía.
Dẫu vậy, đi sâu vào câu chuyện giá dầu, có nhiều lý do khiến tôi không quá bi quan. Thứ nhất, Ả Rập Saudi - nơi đang nắm giữ lượng dầu lớn của thế giới - đã mở rộng hết cỡ quy mô sản xuất dầu. Thứ hai, bản thân Iran không còn con đường nào để xuất lậu dầu ra bên ngoài. Thứ ba, cường quốc Mỹ cũng có dự trữ dầu đáng kể. Cuối cùng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không còn sức mạnh trong việc khống chế nguồn cung và làm chao đảo thị trường như những năm 1970. Chưa kể, kinh tế thế giới có xu hướng giảm tốc thì đương nhiên tiêu thụ năng lượng sẽ giảm. Cầu giảm trong khi cung cơ bản giữ được thì giá dầu sẽ không biến động lớn với cả thế giới và Việt Nam.
Với Việt Nam, tác động đến nền kinh tế không chỉ nằm ở câu chuyện giá dầu mà là tổng hợp tác động giữa thế cục chung đang ngày càng bất ổn. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ vẫn phức tạp trong năm 2020, nay thêm xung đột Mỹ - Iran sẽ lại càng làm cho chính trị, kinh tế thế giới phức tạp hơn. Nước Mỹ năm 2020 bước vào cuộc bầu cử, sự kiện sẽ khiến người dân chuyển từ quan tâm các vấn đề nội bộ sang đối ngoại. Khi đó, sẽ động chạm đến câu chuyện xử lý cuộc thương chiến giữa Mỹ với Trung Quốc ra sao. Diễn biến của cuộc thương chiến này đặt trong bàn cờ chung của Mỹ với các nước tất yếu sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.
Quan hệ chung và thương mại của Việt Nam với Mỹ cơ bản thuận lợi và tiếp tục đà phát triển nhưng sẽ có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Nhiều cảnh báo từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cho rằng một số điểm trong môi trường kinh doanh của Việt Nam không cải thiện được. Trong khi đó, Việt Nam đã thặng dư thương mại hơn 40 tỉ USD với Mỹ là điều mà Mỹ đã bày tỏ quan ngại. Cũng rất cần cảnh giác với nguy cơ gian lận thương mại khi Mỹ - Trung gia tăng đánh thuế lên hàng hóa của nhau. Chỉ cần gánh chịu một đợt thuế đánh vào thương mại thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn. Rất đáng mừng là Chính phủ đã sớm nhận diện được tình hình và có những chỉ đạo quyết liệt về việc này.
Bình luận (0)