Nguyên nhân là bởi năm nay, chi phí đầu vào sản xuất điện đã tăng rất cao, trong đó giá than tăng đến 600% và giá dầu tăng khoảng vài chục phần trăm nhưng giá bán điện chưa được điều chỉnh kể từ tháng 3-2019.
Đề xuất này khi được đưa ra đã khiến nhiều người hiểu rằng EVN muốn điều chỉnh giá điện theo chu kỳ ngắn ngày (hiện nay là 10 ngày), như điều hành giá mặt hàng xăng dầu. Điều này hoàn toàn không đúng với bản chất điều hành giá của những loại hàng hóa đặc biệt, đang được nhà nước quản lý giá như điện, xăng dầu. Kinh doanh điện và xăng dầu hiện vẫn là hoạt động độc quyền của một hoặc một nhóm doanh nghiệp. Để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, bảo đảm an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát, giá bán lẻ các mặt hàng thiết yếu này do nhà nước kiểm soát.
Riêng về điều hành giá điện, Quyết định 24/2017 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã quy định rõ: "Hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất - kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu..."; "thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất". Bên cạnh đó, nếu giá bán lẻ bình quân tăng 3% - 5% thì EVN được quyền tự quyết định điều chỉnh, tăng 5% - 10% là thẩm quyền của Bộ Công Thương, còn trên 10% là Thủ tướng.
Như vậy, dù đã có quy định cho phép được điều chỉnh 6 tháng/lần nếu có biến động chi phí đầu vào song giá điện vẫn "bất động" suốt gần 4 năm qua. Đề xuất của lãnh đạo EVN về việc điều hành giá điện theo diễn biến thị trường thực chất chỉ là kiến nghị được thực hiện cơ chế điều hành giá đã được cho phép.
Vậy giá điện có thể được điều hành theo chu kỳ ngắn ngày như giá xăng dầu hay không? Câu trả lời là không thể. Không phải không có lý do khi nhà nước cho phép điều chỉnh giá xăng dầu định kỳ trong vòng 10-15 ngày, còn điều chỉnh giá điện bình quân trong 6 tháng. Bởi lẽ, để tính toán giá thành cũng như giá bán lẻ điện bình quân, cần thực hiện nghiệp vụ hạch toán toàn ngành; còn tính toán giá bán lẻ xăng dầu thì chủ yếu căn cứ vào giá xăng nhập khẩu.
Trong bối cảnh giá điện còn bị kìm giữ quá lâu như hiện nay, việc thực hiện được chu kỳ điều hành 6 tháng/lần đã là mức kỳ vọng, không thể điều hành giống hoàn toàn giá xăng dầu. Điều cấp bách cần làm hiện nay là tính toán lại và sửa đổi kịp thời để tránh tình trạng điều hành giá điện rơi vào lúng túng vì điều chỉnh chi phí không kịp thời như câu chuyện trên thị trường xăng dầu. Ngoài ra, vẫn phải tiếp tục cân đối bài toán điều hành giá các mặt hàng thiết yếu với ổn định vĩ mô để duy trì được nền tảng tăng trưởng vững chắc.
Ở tầm nhìn xa hơn, cần tiếp tục tích cực thực hiện tiến trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh với nhiều người mua, người bán để từng bước giảm độc quyền, từ đó đưa giá điện về gần hơn với thị trường. Còn hiện nay, tuy thị trường điện có nhiều bên bán (phát điện) nhưng chỉ có một bên mua nên vẫn còn xa rời thị trường.
Bình luận (0)