Ông bà luôn quan tâm nhắc nhở con cháu làm điều hay lẽ phải; cha mẹ mẫu mực trong lối sống, chí thú làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình, dạy bảo con; con cháu hiếu thảo, luôn chăm ngoan, học giỏi, biết vâng lời và làm theo gương sáng của ông bà, cha mẹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. Tục ngữ ta có câu "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn". Muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thực sự yêu thương nhau".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Liên hoan phụ nữ "Năm tốt" vào ngày 30-4-1964, Người dạy: Điều thứ 5 trong phong trào "Năm tốt" là xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái tốt. Điều này cũng đúng nhưng cần giải thích thêm. Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng. "Gia" là nhà, "đình" là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no, yên ổn, ngoài ra, ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt.
Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ: Những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình.
Từ những cơ sở lý luận và qua thực tiễn chứng minh, có thể khẳng định việc xây dựng gia đình hạnh phúc là một đòi hỏi khách quan để hướng tới một xã hội ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng gia đình và xây dựng xã hội là mối quan hệ biện chứng hữu cơ, không thể tách rời, có tác động qua lại và cùng phát triển.
Sẽ không có một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa khi những thành viên trong gia đình ấy không chung tay góp sức, mà biểu hiện rõ nét nhất chính là thái độ đầy tình cảm, hành động đầy trách nhiệm. Gia đình cũng khó bình yên khi ở trong một khu dân cư mất an ninh - trật tự, hàng xóm luôn xích mích, gây gổ nhau.
Báo cáo Chính trị được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thông qua đã chỉ rõ: "Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau".
Trước đó, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, cũng nêu rõ: "Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách... bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam", đó chính là cơ sở nền tảng để phấn đấu tiến tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" mà chúng ta đang ra sức phấn đấu. Ngày 29-3-2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...
Những chủ trương này cho thấy trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử như thế nào, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bình luận (0)