Ngày 27-3, ông Trương Tấn Nghiệm - Chủ tịch UBND phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - cho biết địa phương đã vận động người thân đưa thi thể vợ chồng cụ N.V.P ra nghĩa trang chôn cất. Tuy nhiên, gia đình chưa đồng ý và vẫn nhất quyết chôn 2 cụ trong căn nhà từng xảy ra tranh chấp với người con trai.
"Căn nhà này không có người ở và được làm nhà thờ tổ. Đến nay, người con trai từng xảy ra tranh chấp với cha mẹ là vợ chồng cụ P. chưa có phản ứng, yêu cầu gì với địa phương"– ông Nghiệm thông tin.
Trước đó, cụ N.V.P. (95 tuổi) và vợ là cụ N.T.T. (92 tuổi) - cùng ngụ phường 9, TP Cà Mau - tranh chấp căn nhà với người con trai thứ 4. Cụ thể, thân tộc thống nhất giao lại toàn bộ đất, nhà cho người con trai thứ 4 quản lý khi người này hứa sẽ nuôi vợ chồng cụ P. "đến trăm tuổi". Tuy nhiên, sau gần một năm chăm sóc cha mẹ, người con trai không nuôi nữa. Lúc này, cụ P. khởi kiện đòi lại căn nhà mà 2 vợ chồng đã tích góp hàng chục năm mới xây dựng được.
Tháng 11-2020, TAND TP Cà Mau xét xử, chấp nhận yêu cầu của cụ P., buộc người con thứ 4 phải trả lại chủ quyền nhà đất cho cụ. HĐXX nhận định dù không ghi rõ cho có điều kiện trong hồ sơ cho tặng, song thực tế là có và đó là tài sản duy nhất còn lại của vợ chồng cụ P. nên tòa tuyên chấp nhận yêu cầu của cụ ông.
Tuy nhiên, trong phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau đã bác toàn bộ yêu cầu của cụ P. do hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện nên không đòi lại được.
Không đồng ý với quyết định trên, cụ P. đã làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Tuy nhiên, vợ chồng cụ đã lần lượt qua đời trước Tết Nguyên đán năm 2022.
Theo bà Nguyễn Thị T. (con gái thứ 5 của cụ P.), lúc còn sống, cha mẹ bà có di nguyện khi qua đời sẽ chôn trong căn nhà này. Bởi lẽ, căn nhà của vợ chồng cụ nhưng sau tranh chấp, tòa lại tuyên giao cho con trai. Để chứng minh, bà T. còn cung cấp clip ghi lại di nguyện của cụ P. trước khi mất. Trong clip, cụ P. nói sau khi vợ chồng cụ chết, hãy chôn trong căn nhà trên vì đó là tài sản mà vợ chồng cụ đã tạo lập 70 - 80 năm mới có được.
Bình luận (0)