Ngày 18-2, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu dừng ngay việc thi công chỉnh trang vỉa hè đối với các đoạn có ảnh hưởng đến cây xanh.
Động thái này được thực hiện khi thời gian qua, một số tuyến đường trên địa bàn TP Pleiku được cải tạo, chỉnh trang đã làm ảnh hưởng, chặt rễ hàng loạt cây xanh. Trong đó, có cây có bộ rễ lớn bị chặt, gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển của cây và có nguy cơ ngã đổ khi mưa to, gió lớn và chết hàng loạt.
Thi công vỉa hè, đơn vị thi công đã cắt hết bộ rễ xung quanh của cây xanh
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu dừng ngay việc cắt rễ cây xanh để thi công vỉa hè
Nhằm bảo vệ cây xanh đô thị, góp phần tạo môi trường, cảnh quan, không gian xanh độ thị, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm tra, thống nhất lại phương án thi công để bảo vệ cây xanh. Với những cây xanh đã bị tác động, chặt bộ rễ thì tiến hành kiểm tra, xử lý nếu vi phạm.
Trước đó, khi thi công một số tuyến đường tại TP Pleiku, hàng trăm cây xanh đô thị được di thực đưa về trồng tại khu vực Nghĩa trang TP Pleiku cũng cũng đã bị chết.
Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Pleiku, trong những năm qua, để thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường trên địa bàn TP Pleiku, đơn vị đã hoàn tất các thủ tục theo quy định. Trong đó, có hạng mục di dời và chăm sóc cây xanh dọc các tuyến đường đã được thống kê, tính toán về chủng loại, số lượng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cây xanh sau di thực bị chết hàng loạt
Từ năm 2020 đến 2022, Công ty TNHH Môi trường đô thị xanh Gia Lai đã di thực 417 cây xanh ở các tuyến đường Lý Thái Tổ, Lê Đại Hành và Quyết Tiến đưa về khu vực Nghĩa trang TP Pleiku trồng. Đến nay chỉ còn 265 cây sống.
Bên cạnh đó, hàng trăm cây xanh khác sau khi di dời đã bị chết. Điển hình như năm 2020, có 109 cây xanh trên đường Lý Thái Tổ bị di dời đưa ra Nghĩa trang TP Pleiku trồng. Đến nay 85 cây đã chết, chỉ còn 24 cây còn sống. Trong số này, có 71 cây thông thì tất cả đều đã chết.
Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Pleiku, sắp tới sẽ kiểm tra thực tế và yêu cầu nhà thầu hoàn trả lại một số cây đã bị chết.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Minh Nghĩa, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Pleiku, thẳng thắn chỉ ra rằng việc cây chết sau khi di thực là điều hoàn toàn đoán trước. Nguyên nhân do các cây đã lớn, đang sinh trưởng cố định liền bị bứng gốc đưa đi nơi khác trồng khiến bộ rễ bị tác động, không kịp thích nghi, bị chết.
Cây xanh bị chết hàng loạt sau di thực
Ông Nghĩa cũng cho rằng để đảm bảo cây sống sau di thực cần có thời gian để bộ rễ phát triển, ổn định. Cụ thể, di thực một cây thì chỉ đào quanh một nửa gốc, kích thích rễ ra cho ổn định rồi tiếp tục đào phần gốc rễ còn lại. Tuy nhiên, điều này không thực hiện được vì phải mất khoảng 2 năm. Trong khi đó để thực hiện dự án thì phải đảm bảo yêu cầu tiến độ và vướng các quy định. Phương án tốt nhất, tránh lãng phí là nên... bán thanh lý(!?)
Ông Đặng Toàn Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Pleiku, cũng cho rằng nguyên nhân cây chết là khi di dời cây đã lớn, bộ rễ đã phát triển mạnh bị tác động. Bên cạnh đó, còn do yêu cầu tiến độ thực hiện các dự án phải di dời nhanh.
Bình luận (0)