Sáng 21-4, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cử đoàn công tác đến huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum - vùng tâm chấn, liên tiếp xảy ra động đất trong thời gian qua - để kiểm tra thực tế, đồng thời triển khai công tác phối hợp ứng phó với động đất.
Đoàn công tác đã đến tìm hiểu thực tế tại Nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đắk Tăng (huyện Kon Plông). Với công suất thiết kế 220MW, dung tích hồ chứa trên 145 triệu m3 nước, thủy điện Thượng Kon Tum đang được xem là một trong những yếu tố có thể liên quan đến việc gia tăng các trận động đất và rung chấn thời gian gần đây tại khu vực này.
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum gia tăng xảy ra động đất trùng thời điểm với Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước
Trong chuyến công tác này, Đoàn công tác xác định nguyên nhân dẫn tới động đất, rung chấn cần thực hiện ngay, trên cơ sở khoa học. Chính quyền huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum cần có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Việc tích nước hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum trong giai đoạn tới cần phải được tính toán cẩn trọng ra sao.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 53 vụ động đất từ cấp 0 đến cấp 1, độ lớn chủ yếu dưới 4.0. Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút ngày 18/4 có độ lớn 4.5 là cao nhất. Trong sáng 21-4, tại huyện này cũng xảy ra 3 trận động đất có độ lớn 2.5 đến 3.2 độ Richter.
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, cho biết tâm chấn cách thủy điện Thượng Kon Tum trên 30km, qua kiểm tra thực tế thì thấy chưa có thiệt hại về người, tài sản.
Tuy nhiên, hiện địa phương và các nhà máy thủy điện cũng chưa có phương án ứng phó kịp thời về động đất. Trong thời gian tới, huyện Kon Plông cần chủ động hơn trong việc ứng phó với động đất và đặc biệt cần học tập kinh nghiệm của các địa phương đã từng xảy ra động đất như huyện Nam Trà My hay thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam).
Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai làm việc tại huyện Kon Plông
Viện Vật lý Địa cầu khẩn trương tăng cường các trang thiết bị để cảnh báo, đưa ra những thông tin nhận định sớm nhất về động đất để cho chính quyền địa phương chủ động ứng phó. Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát lại các công trình xây dựng có thể tác động dẫn đến việc động đất để có phương án xử lý kịp thời.
"Cần phải xác định được nguyên nhân động đất để có những đánh giá cụ thể. Về đánh giá sơ bộ thấy rằng việc huyện Kon Plông gia tăng xảy ra động đất trùng với thời điểm các nhà máy thủy điện tích nước. Việc này tuy không lớn nhưng có thể xem là 1 trong những nguyên nhân khiến động đất ngày càng gia tăng" – ông Quang nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Quang, việc tích nước tác động đến đâu và có phải do thủy điện gây ra hay không cần phải có nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn để có những kết quả chính xác nhất.
Bình luận (0)