xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải bài toán ngập nước cho TP HCM

LÊ VĨNH - ANH VŨ

Để giải quyết tình trạng ngập nước, TP HCM cần làm tốt công tác giám sát năng lực hạ tầng, trả lại hệ thống kênh rạch tự nhiên

Trong những ngày qua, TP HCM liên tục có mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và việc đi lại của người dân.

Hễ mưa là ngập

Thấy trời bắt đầu mưa, ông Nguyễn Thanh Tám (63 tuổi; ngụ đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp) vội vàng mang các thanh chắn ra đặt trước cửa nhà. Chưa đầy 15 phút sau khi trời đổ mưa, con đường trước nhà ông Tám hóa thành sông. "Con đường này cứ mưa xuống là ngập. Mưa lớn khoảng 15-20 phút là nước lênh láng, thậm chí tràn vào nhà. Khu vực này thấp hơn nên nước từ các nơi đổ về. Mỗi lần ngập nước là cuộc sống người dân bị đảo lộn, phải bỏ hết mọi việc để lo dọn dẹp nhà cửa" - ông Tám than phiền.

Cũng theo ông Tám, nguyên nhân gây ngập tại khu vực này là do hệ thống cống thoát nước không còn phù hợp. "Cống bé quá nên nước thoát không kịp. Phải đợi khoảng 20 phút sau khi mưa tạnh thì nước mới rút hết. Chỉ mong các dự án chống ngập tại khu vực nhanh chóng được triển khai để người dân chúng tôi sớm thoát khỏi cảnh khổ này" - ông Tám nói.

Tại TP Thủ Đức, chỉ khoảng 30 phút sau cơn mưa lớn ngày 30-6, các đường Lê Văn Ninh, Tô Ngọc Vân, Quốc Hương, Kha Vạng Cân, Đỗ Xuân Hợp… nước lênh láng, đoạn sâu nhất gần lút bánh xe máy.

Đơn cử như ở đường Lê Văn Ninh (đoạn qua chợ Thủ Đức), mỗi khi trời mưa, người dân phải cắm bảng cảnh báo để các phương tiện lưu thông qua lại biết tránh đi vào khu vực nước ngập sâu. Bà Ngô Thị Tiên (67 tuổi, tiểu thương chợ Thủ Đức) cho biết tuyến đường này cứ mưa là ngập. Trời mưa, nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị cùng người dân phải hì hục móc rác ở miệng cống. "Tình trạng mưa xuống nước ngập tại tuyến đường này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Mỗi khi mưa xuống nước ngập từ ngoài đường tràn vào tận nhà dân, các phương tiện lưu thông qua lại bị chết máy. Tôi mong dự án chống ngập sớm được hoàn thành để người dân bớt khổ" - bà Tiên nói.

Mỗi khi mưa xuống ở đường Võ Văn Ngân, giao lộ Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng, nước từ các nắp hố ga bung lên tràn ngược lên đường làm nhiều xe máy lưu thông qua lại bị té ngã.

Theo ghi nhận của phóng viên, liên tiếp trong 4 ngày qua TP HCM có mưa lớn, gây ngập nhiều tuyến đường. Trong đó, có các tuyến đường như: Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Võ Văn Ngân, Kha Vạng Cân, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Việt, Quốc Hương (TP Thủ Đức); Nguyễn Văn Quá (quận 12); Bùi Viện (quận 1).

Giải bài toán ngập nước cho TP HCM - Ảnh 2.

Đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp, TP HCM) nước ngập lênh láng sau trận mưa lớn chiều 2-7Ảnh: LÊ VĨNH

Cần trả lại kênh, rạch

Theo Sở Xây dựng TP HCM, đến nay, TP HCM đã giải quyết được 5 trong tổng số 18 tuyến đường ngập do mưa gồm: Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Trong giai đoạn 2021-2025, TP HCM đặt chỉ tiêu giải quyết ngập 7 tuyến đường trục chính ngập do triều. Hiện thành phố đang triển khai dự án giải quyết ngập do triều cho khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và đã thi công đạt 93,33% khối lượng; dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm) đạt 95% khối lượng.

Từ đây đến năm 2025, Sở Xây dựng đặt mục tiêu giải quyết ngập do mưa cho 13 tuyến đường còn lại. Để đạt mục tiêu này, Sở Xây dựng sẽ hoàn thành công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền) và công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp). Trong năm 2023, sở này cũng sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và bổ sung vào danh mục trung hạn 2021-2025, giao vốn năm 2023 cho 7 công trình còn lại để giải quyết các điểm ngập.

Tương tự, với các tuyến đường ngập do triều, Sở Xây dựng cho biết sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đối với các dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để chống ngập triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn, giải quyết 5 tuyến trục chính ngập do triều gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh)...

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, tình trạng ngập tại TP HCM là do hạ tầng thoát nước và quy hoạch không gian dành cho nước không đáp ứng được nhu cầu của thực tế. TP HCM là thành phố đang phát triển, chính vì vậy mà tại mọi khu vực, mỗi ngày đều tăng lên về mật độ xây dựng. Để giải quyết tình trạng ngập, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thành phố cần phải làm tốt công tác giám sát năng lực hạ tầng để tiến hành cấp phép xây dựng cho phù hợp.

"Những khu vực đã ổn định rồi nhưng hạ tầng chưa được nâng cấp thì khoan cho tăng tải để biến thành một điểm ngập mới" - ông phân tích. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng bày tỏ đồng tình với "chiến lược" trả lại kênh, rạch mà TP HCM đang thực hiện. Bên cạnh đó, TP HCM cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng đô thị và việc này phải đi trước một bước.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng công tác chống ngập trong thành phố về cơ bản vẫn phải chú trọng đến hệ thống đê ngăn triều. Tiếp đến là các miệng thu nước phải được giải phóng, đường cống thoát nước phải được khơi thông. Theo ông, khi đã có đê ngăn triều thì lúc mưa xuống, hệ thống kênh, rạch trong con đê trở thành các hồ chứa tự nhiên và tạo điều kiện thoát nước. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo