Bối cảnh khẩn cấp đòi hỏi nhà nước phối hợp, chỉ đạo nhiều hệ thống bán lẻ, ngân hàng... vào cuộc giải cứu nông sản, hỗ trợ tín dụng cho DN. Kết quả trước mắt là những điểm sáng giúp Chính phủ có lý do để chưa vội vã điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, dù cho ở kịch bản lạc quan nhất thì tốc độ tăng GDP năm nay chỉ ở ngưỡng 6,25%, cách xa mục tiêu 6,8% được Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp cuối năm ngoái - theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhưng, bài học từ nhiều lần nền kinh tế lâm vào tình trạng "giải cứu" là những giải pháp tức thời, ẩn chứa yếu tố "phi thị trường" có thể dẫn đến hiệu quả không cao và không loại trừ khả năng bị lợi dụng. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng Covid-19 được coi là thời điểm phù hợp để xem xét lại nghiêm túc một vấn đề tuy được bàn thảo từ lâu nhưng chưa hề cũ. Đó là hỗ trợ các thành phần kinh tế ra sao trong bối cảnh đặc biệt như dịch bệnh, khủng hoảng; rộng hơn là thay đổi tư duy về một nền kinh tế "giải cứu".
Ở nhiều quốc gia, kể cả quốc gia phát triển, việc sử dụng công cụ hỗ trợ người dân, DN khá phổ biến, thông qua các đạo luật hoặc các quy định về các tình huống đặc biệt với mục đích nhân đạo. Trong đó, có bảo hiểm dịch bệnh, bảo hiểm giá... bên cạnh những hỗ trợ về đất đai, vốn, khoa học - công nghệ trong dài hạn. Việt Nam cần bổ sung thêm quy định chung về những tình huống cần hỗ trợ cũng như cách thức hỗ trợ để tránh tình trạng bị động, "được chăng hay chớ".
Muốn làm được thì nền sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, cần thay đổi theo hướng cơ giới hóa, công nghiệp hóa. Cần có DN đầu tàu đứng ra tổ chức sản xuất và nông dân trở thành người lao động trong chuỗi giá trị. Khi xảy ra khủng hoảng, nông dân không phải đứng ra gánh chịu thiệt hại, còn DN sản xuất được hưởng chính sách hỗ trợ từ nhà nước để bảo đảm đời sống người lao động. Với khối ngân hàng, DN ngành du lịch, xuất nhập khẩu..., họ mong chờ ở chính sách giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giãn thời gian trả nợ nhằm chia sẻ khó khăn. Việc cần làm, nên làm nhưng tốn nhân lực và công sức để thẩm định DN nào thật sự khó khăn; DN nào có dấu hiệu "đục nước béo cò", chỉ cốt đưa ra kiến nghị chính sách có lợi cho mình? Việc tiếp theo là cần có quyết định hỗ trợ phù hợp, công bằng và tránh tạo áp lực quá lớn cho hệ thống ngân hàng. Nếu không, rủi ro từ đối tượng này có thể chuyển sang đối tượng khác và khi đó, gánh nặng chung của nền kinh tế vẫn khó có thể gỡ bỏ.
Giải cứu những đối tượng bị thiệt hại trong cơn hoạn nạn là nghĩa cử cũng là trách nhiệm của những DN lớn trong xã hội. Song, càng cần hơn bàn tay điều tiết, cải tổ của nhà nước thông qua ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ lãi suất lâu dài, hỗ trợ khoa học - công nghệ... Có như vậy, DN mới đủ "khỏe mạnh" để chống chọi với mọi tình huống khó khăn và khi đó các giải pháp giải cứu theo kiểu tức thời sẽ dần không cần thiết nữa.
Bình luận (0)