Kết quả quan trắc chất lượng nước tại 28 hồ nội thành Đà Nẵng 5 năm qua cho thấy có đến 20 hồ bị ô nhiễm, 8 hồ có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan đô thị và chất lượng sống của người dân.
Hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) dù có nhiệm vụ điều tiết nước mưa, tạo cảnh quan song phải hứng chịu lượng lớn nước thải từ kênh Yên Thế - Bắc Sơn nhiều năm qua. Tình trạng cá chết trắng hồ thường xuyên xuất hiện ở đây.
Kết quả quan trắc cho thấy hồ Trung Nghĩa bị ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh vật; chất lượng nước theo mùa có sự khác biệt. Hàng trăm hộ dân sống xung quanh hồ đã kêu cứu mỗi khi cá chết hàng loạt. UBND quận Liên Chiểu phải yêu cầu UBND phường Hòa Minh tổ chức vớt cá, phun chế phẩm xử lý mùi hôi, xem đây là giải pháp tình thế.
Cũng từng ô nhiễm nặng như hồ Trung Nghĩa nhưng hồ Bàu Trảng (quận Thanh Khê) sau khi người dân phản ánh nhiều lần đã được cơ quan chức năng vào cuộc. Hiện nay, hồ này có hơn 10 cụm sục khí hoạt động cùng với nhiều bè thực vật thủy sinh để hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người dân sống quanh hồ vẫn nơm nớp nỗi lo ô nhiễm quay trở lại.
Các chuyên gia phun khử khuẩn, khử mùi tại hồ E1 (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) ngày 18-2
Bà Nguyễn Thị Kê, ngụ cạnh hồ Bàu Trảng, cho hay thỉnh thoảng vẫn còn nước đen, rác bẩn theo dòng đổ vào hồ. "Khả năng hồ Bàu Trảng tái ô nhiễm vẫn còn, bởi kênh Phần Lăng ở thượng nguồn vẫn chưa được xử lý dứt điểm ô nhiễm. Chỉ khi toàn hệ thống được khớp nối, đồng bộ, tình trạng ô nhiễm mới có thể chấm dứt" - bà nhận xét.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng còn "điểm mặt" 20 hồ nội thành bị ô nhiễm trong quá trình đô thị hóa như: Thạc Gián, Đò Xu, Bàu Sấu, Xuân Hòa, K20, E1, Phước Lý, Công viên 29-3, Bàu Gia Hạ, Hòa Phú... Phần lớn hồ nội thành Đà Nẵng đều chưa có cống bao để tách nước thải nên không thể thực hiện đúng chức năng điều tiết. Năm năm qua, chỉ có 1 hồ được nạo vét. Nhiều nơi vẫn còn nước thải chảy qua ngưỡng tràn tại cửa xả và hồ gây ô nhiễm, dẫn đến hủy hoại các loại thủy sinh trong hồ.
Cuối năm 2021, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành" nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp với lộ trình cụ thể để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường xung quanh hồ. Đề án tập trung phân tích, đề xuất các giải pháp xử lý ô nhiễm tại 28 hồ nội thành giai đoạn 2021 - 2030.
Cụ thể, từ năm 2021-2025, Đà Nẵng đặt mục tiêu từng bước kiểm soát chất lượng nước các hồ, tập trung cải thiện chất lượng môi trường ở những hồ ô nhiễm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước tại các hồ đang sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho thành phố; hoàn thiện hệ thống cống bao ở một số hồ và nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom, bảo đảm ngăn nước thải.
Sau đó, từ năm 2025-2030, Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện cống bao; nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom xung quanh những hồ còn lại, xây dựng các hồ đô thị trở thành hồ sinh thái và bảo đảm khai thác triệt để vai trò điều hòa thoát nước vào mùa mưa. Sau khi môi trường nước được bảo đảm, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư những dự án kết hợp cải tạo các hồ trên địa bàn, xây dựng những hồ này thành nơi vui chơi, giải trí, thu hút du khách.
Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện đề án nêu trên là hơn 1.367 tỉ đồng. Trong năm đầu tiên thực hiện đề án, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho biết đã chủ trì, tham mưu UBND TP thành lập tổ công tác để thử nghiệm xử lý ô nhiễm; so sánh, đánh giá các giải pháp. Trên cơ sở đó, sở sẽ tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng áp dụng phương án xử lý ô nhiễm phù hợp với các hồ trên địa bàn.
Theo đề án, Đà Nẵng sẽ phân cấp, phân quyền cho quận - huyện quản lý, khai thác các hồ. Địa phương sẽ xây dựng đề án, kế hoạch, dự toán kinh phí để thành phố phân bổ ngân sách rồi triển khai thực hiện.
Ông Tô Văn Hùng khẳng định đề án này đặc biệt chú trọng nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo đảm vệ sinh, cảnh quan các hồ, đầm tại địa phương, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố môi trường.
Bình luận (0)