Sở dĩ có việc này vì lâu nay, chuyện tỉ lệ ngân sách phân bổ cho TP HCM thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đã được đề cập trên rất nhiều diễn đàn. Cách đây 3 năm, TP đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho ý kiến phải sửa. Từ đó, TP được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, để trong ngắn hạn có thể tăng thu ngân sách TP HCM. Về dài hạn là cho phép TP đề xuất điều chỉnh tỉ lệ ngân sách trung ương. Nhưng vấn đề không đơn giản chỉ nhìn thấy chưa phù hợp là sửa được ngay, vì còn liên quan đến ngân khố quốc gia và Luật Ngân sách nhà nước.
Nay, với đề án này, TP đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP thì TP sẽ nộp ngân sách trung ương nhiều hơn so với (hiện nay là 18% giữ lại). Số liệu được đưa ra phân tích trong đề án chứng minh rõ rằng nếu TP được để lại 24% trong giai đoạn 2021-2026 và 28% trong giai đoạn 2026-2030 thì so với việc TP vẫn chỉ được 18% trong 10 năm tới, phần ngân sách nộp về trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỉ đồng; đồng thời, ngân sách của TP cũng được sử dụng tăng thêm khoảng 390.000 tỉ đồng.
Vậy là lợi cả đôi đường.
Lâu nay, với 18% tổng số thu ngân sách được giữ lại, TP HCM đã duy trì mức tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn tăng trưởng cả nước, đóng góp của TP HCM vào kinh tế cả nước trong 25 năm qua cũng không ngừng tăng (giai đoạn 1996-2000 đóng góp 17% kinh tế cả nước; 2001-2010 là 20%; năm 2011 đến nay: hơn 22%). Dù rất mừng với mức tăng trưởng như thế, rất tự hào là đầu tàu về đóng góp ngân sách cả nước nhưng phải nói thẳng ra là TP HCM đang như "con gà đẻ trứng vàng" mà nay lại lo bị rơi vào thế "kiệt sức".
"Kiệt sức" vì TP HCM không chỉ lo cho chính mình mà còn phải làm tốt vai trò trung tâm của một vùng kinh tế năng động, chưa kể dân số tăng rất nhanh, mà số tăng nhanh lại nằm ở bộ phận dân nhập cư.
Chỉ đơn giản nói về hạ tầng giao thông là rõ: TP HCM đang có hơn 10 triệu dân nhưng đường Vành đai 2 chưa kết nối xong, Vành đai 3 thì mới nằm trên giấy. Quy hoạch tàu điện ngầm 8 tuyến hiện đang làm 1 tuyến, khởi động tuyến thứ 2, còn 6 tuyến khác vẫn chưa triển khai được. Ách tắc không chỉ của nội bộ TP HCM mà hệ lụy cả khu vực Đông Nam Bộ, cả ĐBSCL. Hoạt động dịch vụ logistics rất khó phát triển vì không chỉ ách tắc ở đường bộ mà còn với tất cả nhà ga, bến cảng, sân bay...
Tất cả cũng chỉ vì thiếu vốn đầu tư. Và đây chính là điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của TP HCM.
Nay thì bài toán này đã được chính TP HCM tìm ra lời giải. Lời giải ấy không phải là xin ngân sách trung ương rót vốn, không phải cầu cứu các địa phương bạn chung tay "giải cứu", cũng không phải tính đường vay nợ, mà chính là ở giải pháp, cụ thể ở đây là nâng tỉ lệ ngân sách được điều tiết ở mức cao hơn.
Cái hay là ở chỗ: Nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách nhưng không phải để tăng lương, thưởng cho CB-CNVC của TP hay để tăng các chi phí hoạt động sự nghiệp mà là để có tiềm lực trước hết là hóa giải ngay các điểm nghẽn của hạ tầng. Chỉ có làm như thế và làm nhanh thì TP HCM mới có đủ sức để tiếp tục tạo được môi trường đủ sức thu hút các nguồn đầu tư.
Mà xét cho cùng thì đấy cũng chỉ là một hình thức ngân sách đầu tư để rồi thu về lợi ích cụ thể.
Bình luận (0)