Dốc cầu Phú Mỹ (bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2 và quận 7 trên tuyến vành đai ngoài TP HCM) hiện vẫn bị xem như "dốc tử thần". Chỉ trong 3 ngày, từ 11 đến 13-6, trên cây cầu này xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT). Mới đây nhất, ngày 9-7, một chiếc xe cẩu chết máy ở dốc cầu làm hàng loạt tuyến đường xung quanh tê liệt.
Vừa chạy vừa... run
Có mặt trên cầu Phú Mỹ ngày 10-7, chúng tôi ghi nhận mật độ xe container, xe tải nặng... lưu thông dày đặc ở cả 2 hướng. Nhiều thời điểm, dòng xe ùn ứ, xếp hàng san sát, nối đuôi nhau.
Cầu Phú Mỹ có độ dốc khá lớn, trong khi mật độ xe tải nặng lưu thông dày đặc, nhiều xe chạy quá tốc độ là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông
Tại khu vực 2 đầu cầu Phú Mỹ, nhiều xe chở hàng nặng khi lên dốc ì ạch "bò"; trong khi ở chiều đổ dốc, không ít xe phóng như bay. Đáng chú ý, nhiều xe đầu kéo chở trụ bê-tông, cuộn sắt... nặng hàng chục tấn nhưng chỉ ràng buộc sơ sài bằng vài sợi xích nhỏ, không có dụng cụ chống lăn vẫn ào ào lao dốc. "Khối hàng trên rơ-moóc rất dễ bị tuột về phía sau khi xe leo dốc hoặc dồn lên phía trước, đâm vào cabin nếu tài xế thắng gấp. Khi dòng xe di chuyển san sát nhau, chỉ cần chút sơ sẩy cũng có thể dẫn đến tai họa" - tài xế Nguyễn Văn Chiến (ngụ quận 7) lo lắng.
Tại đoạn dốc cầu Phú Mỹ phía quận 2, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã gắn camera giám sát, tăng cường kiểm soát các phương tiện. Đoạn dốc này cũng bố trí nhiều gờ giảm tốc độ. Tuy nhiên, một số tài xế cho rằng do độ dốc ở cầu khá lớn nên khi chở hàng nặng, áp lực tạo ra cao, xe khó hãm tốc độ. Chưa kể, đoạn đổ dốc về quận 2 vẫn có một độ cong nhất định, nếu tài xế không quan sát kỹ và chủ động giảm tốc độ từ trước, nguy cơ tai nạn rất lớn.
"Xe chở hàng khối lượng lớn, tài xế vốn khó điều khiển và quan sát, đặc biệt là ở những khúc cua hoặc khi xe leo dốc, đổ dốc. Trong quá trình lưu thông, các khối hàng gặp rung lắc, tạo lực rất mạnh khi va đập vào nhau nên rất dễ bị tuột xuống đường hoặc làm lật xe" - tài xế Nguyễn Văn Bình, người có kinh nghiệm lái xe container nhiều năm, phân tích.
Khi được hỏi, chị Nguyễn Phương Linh (ngụ quận 2), cho biết mỗi lần chạy ôtô con qua cầu Phú Mỹ là mỗi lần chị phập phồng lo sợ bởi thường xuyên bị "kẹp" giữa những xe container. "Không chỉ ớn lạnh nhìn những thùng xe cao ngất, tròng trành di chuyển sát bên, tôi còn lo xe phía trước bị sự cố thì tai nạn liên hoàn rất dễ xảy ra. Các loại ôtô con nếu bị kẹt giữa thì chỉ có nước bẹp dúm, vì vậy bất đắc dĩ tôi mới chạy xe qua cầu Phú Mỹ, còn không thì phải tìm hướng khác" - chị Linh bày tỏ.
Tiếp tục theo dõi, đánh giá
Được xem như tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía Nam TP HCM, cầu Phú Mỹ kết nối lưu lượng xe giữa trục đường lớn Nguyễn Văn Linh (quận 7) qua đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (quận 2)... ra vào các cảng Cát Lái, Phú Hữu. Vì vậy, mỗi ngày, trên cây cầu này có hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông. Ngoài nỗi ám ảnh về tai nạn, khu vực này còn là một trong những điểm thường xuyên ùn tắc. Chỉ cần một vụ tai nạn xảy ra, hàng loạt tuyến đường xung quanh cũng tê liệt.
Trước đó, sau khi một số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở cầu Phú Mỹ, Sở GTVT TP HCM đã lắp đặt nhiều biển báo hạn chế tốc độ, cảnh báo tai nạn và điều chỉnh giảm tốc độ tối đa đối với xe tải nặng, xe đầu kéo... xuống 40 km/giờ, thay vì 60 km/giờ như trước. Riêng ôtô con, xe máy vẫn được phép lưu thông với tốc độ tối đa 60 km/giờ. Lực lượng CSGT quận 2 cũng thường xuyên có mặt tại khu vực này để kiểm tra tốc độ và xử lý các phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó, ngoài việc gắn hệ thống camera, Sở GTVT TP HCM cũng đã tiến hành cải tạo để giảm độ cong ở dốc cầu phía quận 2.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, tại khu vực trên, các đơn vị vẫn tiếp tục theo dõi và đánh giá để có giải pháp khả thi hơn. Ông Tường cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ là do các phương tiện không giữ khoảng cách an toàn, nhiều trường hợp vượt tốc độ. "Nếu nguyên nhân xuất phát từ những bất cập của hạ tầng thì cần tiếp tục khảo sát để điều chỉnh, còn do ý thức tài xế thì phải có các biện pháp mạnh như phạt nặng" - ông Tường nhấn mạnh.
Ông Tường cho biết ngoài điểm đen tai nạn ở khu vực trên, TP HCM còn 18 vị trí khác, hiện các đơn vị quản lý đã có những kế hoạch cụ thể để xử lý trong năm 2019, trong đó có giải pháp công trình hoặc phi công trình. Với giải pháp công trình, ngoài việc cần thực hiện nhanh để giải quyết những bất cập trước mắt thì cần có định hướng lâu dài.
Đặt mục tiêu giảm 5% tai nạn giao thông
Theo Sở GTVT TP HCM, trong 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP xảy ra 1.382 vụ TNGT, làm chết 241 người và bị thương 968 người. So với cùng kỳ năm trước, TNGT giảm số vụ, số người chết nhưng tăng số người bị thương. Trong 6 tháng cuối năm 2019, TP HCM đặt mục tiêu giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2018. Sở GTVT đã thực hiện một số giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng vi phạm của các loại xe tải, xe container... Trong đó, với những "điểm nóng" như đường Nguyễn Văn Linh - tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn - xe tải nặng trên 3,5 tấn đã bị cấm lưu thông trên làn hỗn hợp, đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến Quốc lộ 1.
Bình luận (0)