Trải qua hàng ngàn năm, trước sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, có thời điểm khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chỉ còn lại là những đống gạch đổ nát. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không mệt mỏi, ngày nay, Mỹ Sơn đã dần trở lại với vóc dáng của một trung tâm tôn giáo lớn nhất của vương quốc Chămpa cổ xưa.
Tấm lòng Kazik
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết sau nhiều chương trình hợp tác được triển khai tại khu đền tháp Mỹ Sơn, đến nay, Mỹ Sơn đã hoàn toàn bước ra khỏi tình trạng đổ nát để sang một trang mới. Đến Mỹ Sơn dịp này, du khách không khỏi ngỡ ngàng với những đền tháp uy nghi, chứa đựng trong nó những tác phẩm điêu khắc, những thành phần kiến trúc hết sức độc đáo. Đạt được kết quả trên, bên cạnh những nỗ lực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các chuyên gia trong nước, cộng đồng địa phương thì đóng góp của các tổ chức và chuyên gia quốc tế là hết sức quan trọng.
Nếu không tính các chuyên gia đến từ Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) đã có những nghiên cứu và trùng tu Mỹ Sơn vào giai đoạn đầu thế kỷ XIX, trước và sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, Mỹ Sơn đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, chuyên gia nước ngoài như: Ba Lan, UNESCO, JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Ý), Trường ĐH Milan (Ý), Viện ASI (Ấn Độ)...
Trong ký ức của ông Nguyễn Công Hường, nguyên Trưởng BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, vào những năm 1980, trước khi cố kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (tên thường gọi là Kazik) đến, nhiều cụm đền tháp ở Mỹ Sơn đã sụp đổ, chỉ còn lại những đống gạch, bị bao phủ bởi lau lách, cây dại. Lúc đó, đường vào Mỹ Sơn rất khó khăn, phải đi bộ hàng giờ. Người vào Mỹ Sơn không chỉ đối diện với thú dữ mà còn có nguy cơ mất mạng vì có thể giẫm phải bom mìn sót lại sau chiến tranh. Dù vậy, các chuyên gia Ba Lan mà đặc biệt là Kazik đã không nề hà nắng mưa, cực khổ, cùng ăn ở và làm việc tại Mỹ Sơn như một người dân bản xứ.
Sau 12 năm (1982-1994) được gia cố, tu sửa, trung tâm kiến trúc bậc nhất của nghệ thuật Chămpa bắt đầu hồi sinh. Mỹ Sơn được trả lại phần nào dáng vẻ trước kia của nó, làm cho người ta có thể hình dung được một khu đền thờ Ấn Độ giáo uy nghiêm, kỳ vĩ của vương quốc Chămpa trong quá khứ.
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn có được diện mạo như hôm nay là nhờ một phần đóng góp quan trọng của chuyên gia, bạn bè quốc tế
"Kazik không chỉ là một kiến trúc sư, vai trò đầu đàn hướng dẫn về những kỹ thuật trùng tu mà còn là người kết nối, tạo điều kiện chúng ta thực hiện các dự án mang tính hợp tác quốc tế. Trong quá trình mười mấy năm, các chuyên gia Ba Lan trùng tu di tích đã tạo ra môi trường để các nhà nghiên cứu, giới khoa học và du khách biết đến Mỹ Sơn nhiều hơn. Đó là một giai đoạn lịch sử quan trọng để tạo ra mạch kết nối đến bây giờ. Nếu không có Kazik thì cũng không có ai đánh động lượng thông tin ban đầu, không có hội thảo khoa học, không có sự tác động mạnh mẽ để UNESCO công nhận Mỹ Sơn là Di sản thế giới" - ông Hường nhìn nhận.
Ông Đinh Hài, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho rằng khu đền tháp Mỹ Sơn được ghi danh vào danh sách các di sản văn hóa thế giới có phần đóng góp quan trọng của các chuyên gia Ba Lan. "Vào thời điểm các chuyên gia Ba Lan trùng tu Mỹ Sơn, di sản này cùng với Hội An đã được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt. Qua ông Kazik, với cái nhìn của người làm khảo cổ đã cho thấy nếu chúng ta bảo tồn tốt, lập hồ sơ tốt thì có thể đưa 2 di sản quốc gia Hội An, Mỹ Sơn trở thành di sản văn hóa thế giới và thực tế đúng như vậy" - ông Hài nhớ lại.
Dấu ấn của người Ý
Bên cạnh các chuyên gia Ba Lan, có thể nói các chuyên gia Ý đã để lại nhiều dấu ấn trong thành quả trùng tu, bảo tồn di tích Mỹ Sơn. Cho chúng tôi xem 2 bức ảnh khu tháp G trước và sau khi được người Ý trùng tu, ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho rằng các chuyên gia Ý luôn là những người hết sức tâm huyết và có trách nhiệm trong công việc. Trước khi được người Ý trùng tu, khu tháp G được rào kín bằng thép gai, xung quanh cỏ tranh mọc đầy và luôn trong tình trạng sắp sập. Giờ đây, tháp G phần nào trở lại dáng dấp uy nghi, vững chãi như xưa.
"Các chuyên gia Ý, đặc biệt là GS Luigia Ada Binda, TS Mauro Cucarzi, TS Patricia Zolese..., đã đóng góp rất nhiều công sức, trí tuệ trong việc trùng tu khu tháp G, E7. Điển hình là việc sử dụng nhựa cây dầu rái thay thế xi-măng trong trùng tu và nghiên cứu vữa vôi để thực hiện các phần xây khác nhau của tường tháp... Ngoài ra, họ đã làm một việc hết sức quan trọng là đào tạo những người thợ lành nghề của Việt Nam có thể trực tiếp trùng tu các tháp Chăm" - ông Khiết đánh giá.
May mắn cùng tham gia trùng tu với các chuyên gia đến từ Ba Lan, Nhật, Ý rồi hiện nay là Ấn Độ, ông Lê Văn Minh - Trưởng Phòng Bảo tồn Bảo tàng BQL Di sản thế giới Mỹ Sơn - cho biết quá trình làm việc với các chuyên gia nước ngoài đã cho ông nhiều bài học đắt giá. "Thấy họ nâng niu từng viên gạch và quan sát cách ứng xử của họ trong hoạt động trùng tu, tôi nhận ra rằng tất cả người nước ngoài đến đây đều rất trân trọng di sản. Từ đó lan tỏa sang chúng tôi ý thức bảo vệ di sản và chúng tôi giữ gìn, truyền lại tình yêu di sản cho các anh em trẻ sau này" - ông Minh chia sẻ.
Hình thành xu hướng nghiên cứu mới
Ông Nguyễn Văn Thọ, chuyên viên BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết các nghiên cứu về kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn của các chuyên gia Nhật Bản từ năm 1990 mà trực tiếp là kiến trúc sư Shigeda là đóng góp quan trọng và tạo ra một xu hướng nghiên cứu mới về kiến trúc nghệ thuật Chămpa, góp phần quan trọng cho công tác bảo tồn và trùng tu khu đền tháp Mỹ Sơn. Thông qua công trình Nhà Trưng bày Mỹ Sơn hoàn thành năm 2005, lần đầu tiên các lý giải về tiến trình hình thành và phát triển các công trình kiến trúc tại thung lũng Mỹ Sơn được nghiên cứu và trình bày một cách khoa học qua các hiện vật, panô, mô hình. Đối với Ấn Độ, dù công tác trùng tu được tiến hành chưa lâu nhưng cũng đã thu được nhiều thành công bước đầu.
Bình luận (0)