Trong 2 ngày thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ sự không hài lòng cũng như bức xúc trước tình trạng giải ngân chậm trong lĩnh vực đầu tư phát triển, đầu tư công.
9 tháng mới giải ngân hơn 45% kế hoạch
ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) rất băn khoăn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm khi qua báo cáo 9 tháng đầu năm 2019, số vốn giải ngân mới đạt 45,1% kế hoạch QH giao, trong đó vốn trong nước đạt 49,2%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 23,4%, vốn ngoài nước chỉ 18,8%. Do đó, ông Hoàng Văn Hùng cho rằng khả năng giải ngân hết nguồn vốn là rất khó khả thi và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả của nguồn lực và gây lãng phí.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) chỉ ra nhiều vấn đề về tình trạng giải ngân chậm trong lĩnh vực đầu tư phát triển, đầu tư công
Vị ĐB tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công. "Do thể chế pháp luật về đầu tư thiếu đồng bộ hay do sự chồng chéo các quy định pháp luật? Đã đến lúc cần rà soát để hủy kế hoạch giao vốn và tiến hành điều chuyển nguồn vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án cần vốn, địa phương giải ngân chậm sang địa phương giải ngân đúng thời hạn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, công khai tình hình giải ngân của các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư" - ĐB Hoàng Văn Hùng kiến nghị.
Phân tích sâu hơn, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá chưa có kỳ họp nào ĐBQH lại quan tâm và phát biểu nhiều đến việc giải ngân chậm trong lĩnh vực đầu tư phát triển, đầu tư công như lần này. Ông cho rằng giải ngân chậm lĩnh vực đầu tư công không chỉ làm giảm hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH hằng năm mà còn kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực của nhà nước, như hạ tầng cơ sở chậm phát triển, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, đội vốn cao, lãi suất vay vẫn phải trả, giảm uy tín với nhà tài trợ quốc tế. "Thông qua hoạt động giám sát có thể khẳng định nguyên nhân chính của giải ngân chậm là do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do luật" - ĐB Tạ Văn Hạ khẳng định.
Theo ĐB này, công tác lập quy hoạch, kế hoạch dự án thực hiện thiếu chủ động, không sát với nhu cầu thực tế, có nơi chỉ khảo sát qua loa, hỏi ý kiến rồi đưa vào danh mục đầu tư, phê duyệt cho kịp thời gian quy định. Thứ tự ưu tiên đầu tư không trúng, không sát với thực tiễn. Có nơi nhu cầu đầu tư do doanh nghiệp đề xuất… Các nước phát triển chuẩn bị đầu tư 2 - 3 năm để làm trong 1 năm nhưng chúng ta chỉ chuẩn bị một tháng hay vài tháng để làm trong cả một giai đoạn.
"Quản trị thì yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo của người đứng đầu có hạn chế, lại trong bối cảnh "lò lúc nào cũng nóng", do đó không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm" - ĐB Tạ Văn Hạ nói và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm có giải pháp căn cơ và quyết liệt hành động để khắc phục dứt điểm hạn chế này. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, xử lý công khai những người đứng đầu để giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn phân bổ.
Từ năm 2020 sẽ có cải thiện
Giải trình về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đúng như nhiều ĐB đã nêu: "Tình trạng giải ngân chậm là một trong những điểm tối trong một bức tranh sáng của nền kinh tế và đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT-XH, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công chậm trong giá trị của GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cập nhật tình hình của 10 tháng cho thấy tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch QH giao và cũng chỉ đạt 54,69% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao. "Tức là so với 9 tháng như đã báo cáo QH tăng không đáng kể, cũng như đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, với nhiều giải pháp khác nhau ngay từ những tháng đầu năm, như giao kế hoạch vốn rất sớm, trước ngày 31-12 đã giao được 91,26%, còn lại hơn 33.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 8% không đủ điều kiện và thủ tục theo luật quy định nên không thể giao được. Từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục. Thủ tục đầy đủ đến đâu thì giao đến đó. Đến nay đã giao thêm được hơn 5.000 tỉ đồng, vẫn còn 27.000 tỉ đồng chưa giao được. "Báo cáo QH, việc xây dựng và thực hiện các thủ tục, quy trình để đủ điều kiện giao theo luật định chúng ta không đáp ứng được và cũng không thể giao được vì luật quy định như vậy" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân trần; đồng thời thừa nhận dù đã tổ chức nhiều đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy cũng như tháo gỡ các khó khăn, giải quyết vướng mắc nhưng trên thực tế tình hình vẫn rất chậm được cải thiện, như rất nhiều ĐB đã nêu.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, trong đó có tập trung phân tích, đánh giá và làm rõ các nguyên nhân. Về khách quan, đó là một số quy định pháp luật về đầu tư công, như công tác chuẩn bị đầu tư, công tác chuẩn bị dự án còn bất cập. Thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch còn phức tạp, nhiều việc phải thực hiện theo quy định nhưng còn một số chồng chéo, vướng mắc.
Về cơ bản, những vấn đề liên quan đến các vướng mắc của Luật Đầu tư công đã được giải quyết, xử lý ở Luật Đầu tư công (sửa đổi) và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Những vấn đề còn vướng mắc giữa các luật, Chủ tịch QH và Thủ tướng đã thống nhất giao cho các cơ quan tiếp tục rà soát trong thời gian tới để phát hiện những điểm cần phải chỉnh sửa, thống nhất lại trong hệ thống.
Với những vướng mắc, Chính phủ xác định khâu tổ chức thực hiện vẫn là nguyên nhân chủ yếu như: công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, việc giao kế hoạch chậm ở cả trung ương và các cấp bộ, ngành, địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94 với một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ về phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, tập trung vào năm 5 nhóm giải pháp chính, gồm: tiếp tục rà soát các quy định còn vướng mắc để kịp thời điều chỉnh; khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh các kế hoạch vốn, trong đó kiên quyết điều chỉnh vốn từ các dự án dàn trải, giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn; tập trung chỉ đạo triển khai công tác giải ngân ở các cấp, các ngành; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá kế hoạch đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu. "Với việc Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1-1-2020 và việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 94, với việc giám sát của QH, tin rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công từ năm 2020 sẽ có những bước cải thiện đáng kể" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cần linh hoạt điều chỉnh kế hoạch
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đánh giá tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, "có tiền không tiêu được" có xu hướng gia tăng, năm sau chậm hơn năm trước, năm 2018 thấp nhất so với 6 năm trước.
Theo ĐB này, cần phải khắc phục yếu kém trong công tác lập, thực hiện và điều chỉnh kế hoạch đầu tư. Cụ thể, thời gian qua, nhiều công trình thiếu vốn, trong khi nhiều dự án không thể giải ngân hết kế hoạch vốn, cho thấy việc lập kế hoạch không sát, không theo dõi tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, đặc biệt lãng phí vốn ODA (vốn vay đầu tư phát triển) không giải ngân được, không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết. "Cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm" - ông Hoàng Quang Hàm nói.
Bình luận (0)