Chiều 6-7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc sau 3 ngày làm việc. Trước nhiều điểm nghẽn của các chương trình đột phá sau 2,5 năm thực hiện, nhiều đại biểu cho rằng phải đổi cách làm, "đánh" có trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu nóng lòng
Bí thư Quận ủy quận 12 Trần Hữu Trí cho rằng việc xử lý ô nhiễm môi trường còn nhiều bế tắc khiến người dân bức xúc. Trong khi đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Xuân Cường lo lắng hiện nay phần lớn các dự án thuộc chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông ở TP đang gặp phải 2 khó khăn lớn là thiếu vốn và thiếu mặt bằng. Cụ thể, 50 dự án ngành giao thông đang triển khai hầu hết đều chậm do thiếu vốn và không có mặt bằng. Ông Cường minh chứng bằng dự án mở rộng Tỉnh lộ 8 gắn với Khu Công nghiệp Đông Nam dài 7 km. Đây là dự án được duyệt từ năm 2008 với vốn khi đó là 220 tỉ đồng, trong đó 110 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng. Thế nhưng đến nay, do vướng mặt bằng nên khi thẩm định lại vốn dự án đã bị "đội" lên hơn 800 tỉ đồng, trong đó phải mất hơn 600 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng. Theo ông Cường, trong quá trình triển khai mới thấy huy động vốn rất khó khăn. Tính toán giai đoạn 2016-2020, TP cần bố trí khoảng 177.000 tỉ đồng cho dự án chương trình giao thông nhưng đến thời điểm này mới chỉ bố trí được 14%.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (phải) trao đổi bên lề với đại biểu Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm cho rằng nếu đã là đột phá thì phải trọng tâm, trọng điểm và "đánh" dứt điểm. "Từng chương trình, chúng ta đều tham vọng rất lớn. Ai cũng trung tâm, cái gì cũng quan trọng, ông nào không quan trọng, không trung tâm là không chịu" - ông Lắm nêu quan điểm. Do đó, ông Lắm đề nghị trong hơn 2 năm còn lại của nhiệm kỳ phải rà soát thật kỹ, chọn đúng những nội dung công việc sẽ thực hiện và những nội dung này phải hết sức cụ thể, công khai cho nhân dân biết để giám sát.
Bên cạnh đó, ông Lắm cũng đề nghị UBND TP với tư cách là tư lệnh phải tính toán nguồn lực cụ thể. Ông Lắm đưa ra giải pháp nữa là quy đầu việc, trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị. "Xem xét trách nhiệm cụ thể, nếu không làm được, có thể sẽ không còn ngồi ghế đó. Chuyện này cũng phải công khai với dân" - ông Lắm gợi mở. Theo Giám đốc Sở Nội vụ, hiện nay có tâm lý chậm mà chắc vì chậm thì không ai cách chức nhưng nhanh mà không được sẽ bị xử lý. Như vậy, TP sẽ khó phát triển như mong đợi.
Lãnh đạo chốt giải pháp
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết 7 chương trình đột phá là bước cụ thể hóa để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND TP đặt vấn đề: Qua 2,5 năm thực hiện các chương trình đột phá thì nay cần xem lại đã thực sự đột phá hay chưa, có tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ, nâng cao năng lực và chất lượng tăng trưởng kinh tế TP hay chưa? "Cá nhân tôi thấy là đến nay vẫn chưa tạo ra sự đột phá" - ông Phong trả lời cho vấn đề ông đặt ra. Theo ông, 7 chương trình đột phá là của toàn Đảng bộ. "Điều đó có nghĩa là sở ban ngành, các cấp cơ sở Đảng phải chia sẻ, chung tay, góp sức thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu của 7 chương trình đột phá, tất nhiên trong nhiệm vụ phải phân công rõ ràng, minh bạch" - ông Phong đề nghị.
Cách triển khai 7 chương trình đột phá tới đây là người phụ trách sẽ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TP thực hiện một số giải pháp như hoàn thiện thể chế vận hành của TP, theo phương châm coi nguồn nhân lực là nguồn quan trọng nhất, coi sáng tạo của người lao động là động lực mạnh mẽ nhất để phát triển. Mỗi cơ quan, mỗi cấp ủy phải thay đổi cách làm, những việc làm tốt thì tiếp tục phát huy, những việc không nên làm thì phải thay đổi. Mỗi người đảng viên phải tiên phong đề xuất những thay đổi, chi bộ lãnh đạo để quần chúng nhân dân góp ý.
Đặc biệt, để gỡ các điểm nghẽn trong các chương trình đột phá, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh phải tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết 54. Ngoài 22 đề án còn thêm chuyên đề quy trình đền bù tái định cư để người dân bớt khổ và chuyên đề kết nối doanh nghiệp và quản lý nhà nước, thiết lập quan hệ giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và quản lý nhà nước. Đối với nguồn đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp, TP phải có cơ chế lộ trình chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, theo phương án đấu giá đất, đấu thầu làm dự án. Quan trọng hơn cả là thực hiện đánh giá cán bộ, người đứng đầu một cách hiệu quả theo hướng dẫn của Nghị quyết Trung ương 6. "Từ đây, cách triển khai 7 chương trình đột phá, người phụ trách sẽ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP, Thành ủy sẽ cử người tham gia các chương trình này, lãnh đạo Thành ủy sẽ vừa tham gia vừa giám sát, vừa góp ý, phản ánh" - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cán bộ sai không xử, dân mất niềm tin
Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì họp báo để thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020. Trước câu hỏi nhiều cán bộ của TP bị kỷ luật Đảng, đề nghị lãnh đạo Thành ủy cho biết nguyên nhân của việc này, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Nếu cán bộ sai phạm, dân biết mà mình không xử lý thì dân mất niềm tin. Còn cán bộ có sai phạm, dân có biết hay không mình cũng xử lý thì sẽ củng cố niềm tin của dân. Mình xử lý đúng người, đúng việc, không vội vã".
Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật vì liên quan đất đai
Chiều 6-7, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TP HCM đã thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên.
Qua kiểm tra, UBKT Thành ủy TP đã tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xem xét và quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ TP thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với các đảng viên vi phạm.
Cụ thể, đó là lãnh đạo Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (gọi tắt là Công ty Phú Nhuận). Lãnh đạo công ty này đã vi phạm trong việc tham mưu, đề xuất Văn phòng Thành ủy TP chấp thuận chủ trương cho hợp tác đầu tư để chuyển nhượng dự án khu nhà ở phường An Phú, quận 2 khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật; đồng thời thông qua hợp tác đầu tư để chỉ định chuyển nhượng dự án mà không thông báo đấu giá hoặc đấu thầu là không đúng quy định. Do đó, UBKT Thành ủy TP đã quyết định thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Trang Thành Sương - nguyên bí thư chi bộ, nguyên chủ tịch HĐTV; ông Phạm Văn Thắng - Phó Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc - Chủ tịch Hội đồng Xây dựng giá bất động sản kinh doanh; ông Huỳnh Công Tài - bí thư chi bộ, kế toán trưởng và ông Lê Thái Bảo, phó tổng giám đốc. Song song đó, thực hiện yêu cầu của UBKT Thành ủy, Văn phòng Thành ủy đã thi hành kỷ luật kiển trách ông Hoàng Đình Thi, phó tổng giám đốc và ông Huỳnh Thanh Hải, kiểm soát viên.
Đối với lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, UBKT Thành ủy nêu rõ các lãnh đạo Văn phòng Thành ủy được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý doanh nghiệp của Đảng bộ TP đã thẩm định, tham mưu, đề xuất chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè và Công ty Phú Nhuận hợp tác đầu tư để chuyển nhượng dự án khu nhà ở phường An Phú, là chưa thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được quy định tại Quyết định số 546/2007 của Ban Thường vụ Thành ủy; thiếu kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo 2 công ty thực hiện đúng quy trình, thủ tục về hợp tác đầu tư, chuyển nhượng tài sản;…
Từ đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã quyết định thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối vối bà Thái Thị Bích Liên - Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy. UBKT Thành ủy ra quyết định thi hành kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy và đề nghị cho thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương; thi hành kỷ luật hình thức cảnh cáo và đề nghị cho thôi giữ chức vụ đảng ủy viên Cơ quan Văn phòng Thành ủy, Trưởng Phòng Quản lý đầu tư - Kinh doanh vốn đối với ông Huỳnh Phước Long.
P.ANH - TR.HOÀNG
Bình luận (0)