Dư luận không khỏi băn khoăn về việc người Trung Quốc vào Việt Nam làm gì trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp và tại sao lại có thể vào sâu trong nội địa, làm cách nào để ngăn chặn hiệu quả?
Phát huy "tai mắt" của nhân dân
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết ngày 4-5, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra công lệnh tổng kiểm tra toàn quốc đối với tất cả người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Về trách nhiệm ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng đầu tiên phải kể đến lực lượng bảo vệ biên giới, thứ hai là các đơn vị chức năng từ trung ương đến địa phương, thứ ba là cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Nhóm người Trung Quốc bị bắt giữ về hành vi nhập cảnh và cư trú trái phép trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP Hà Nội..Ảnh: HUY THANH
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, khẳng định việc kiểm soát qua lại biên giới đang có lỗ hổng nên người nước ngoài mới xâm nhập được vào lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, biên phòng, công an không đủ lực lượng phủ kín cả tuyến biên giới. Do đó, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng phải phát huy sức mạnh và tinh thần cảnh giác của nhân dân để ngăn chặn tình trạng này. Với đường biên giới dài, đường mòn, lối mở khắp nơi rồi sông nước mênh mông ở biên giới Tây Nam, nếu không phát huy được "tai mắt" của nhân dân thì lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát hết được.
Còn ở trong nội địa, cần đặt ra trách nhiệm của ban quản lý khu nhà chung cư nơi phát hiện những người nước ngoài nhập cảnh trái phép cư trú cũng như công an khu vực, chủ tịch phường ở địa bàn đó. "Đáng buồn là người nước ngoài xâm nhập từ nhiều phía và vào sâu trong nội địa, đi qua rất nhiều địa phương. Rõ ràng việc kiểm tra hành chính của các cơ quan chức năng chưa làm tốt, cần chấn chỉnh" - Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nói.
Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết đã yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, nhất là người đứng đầu, khẩn trương, tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch Covid-19; bảo đảm trực 100% quân số tại các đơn vị và làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại các tổ, chốt trên biên giới.
Thiếu tướng Lê Đức Thái cũng đề nghị các đơn vị phối hợp tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển không tiếp tay, đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép; tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tố giác những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam". Điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép.
Cần tăng thêm khung hình phạt
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trong đó có tình trạng người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc ở các khu công nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc rất đông.
"Thậm chí, còn có các đối tượng tội phạm trốn truy nã nhập cảnh trái phép để hoạt động thuận lợi hơn" - luật sư Cường nêu.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo luật sư Đặng Văn Cường, quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi nhập cảnh trái phép là rất nghiêm khắc, có thể lên đến 15 năm tù. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa.
Theo luật Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trách nhiệm trong việc để người nhập cảnh trái phép trước tiên thuộc về các cơ quan, ban, ngành chức năng. Do nhiều ngày không có ca mắc Covid-19 dẫn đến tình trạng chủ quan, quản lý lỏng lẻo ở một số ngành, địa phương.
Các vụ nhập cảnh trái phép đều có sự tiếp tay, giúp sức, bao che của một số cá nhân người Việt Nam. Những đối tượng trung gian này làm nhiệm vụ dẫn đường qua biên giới, thuê ôtô di chuyển, thuê nơi tạm trú, cung ứng các nhu yếu phẩm sinh hoạt...
Theo luật sư Tiền, nhóm đối tượng có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 348 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù khi thực hiện đối với 11 người trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc làm chết người. Nếu nhóm đối tượng biết những người nhập cảnh mắc Covid-19 nhưng vẫn tổ chức cho nhập cảnh trái phép thì còn có thể bị xử lý thêm tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo điều 240 bộ luật này, hình phạt cao nhất đến 12 năm tù nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng khi xử lý các đối tượng vi phạm, cần áp dụng thủ tục tố tụng đặc biệt để đưa ra truy tố, xét xử nhanh chóng với mức hình phạt nghiêm minh nhằm tạo sức răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan có thẩm quyền nếu thiếu trách nhiệm, để tội phạm xảy ra và xử lý đúng theo quy định để nêu gương. Hơn nữa, các nhà lập pháp cần nghiên cứu, tăng thêm mức hình phạt khiến những người có ý định thực hiện hành vi trái pháp luật chùn bước, từ bỏ việc thực hiện.
11.378 người "cắm chốt" ở biên giới
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã điều động lực lượng, thành lập thêm 185 tổ, chốt biên phòng với 1.266 cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến biên giới. Tính đến ngày 27-4, Bộ đội Biên phòng đã duy trì 1.798 tổ, chốt với 11.378 người tham gia, trong đó có 8.245 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.
Bình luận (0)