GS-TSKH VŨ MINH GIANG, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐHQG Hà Nội):
Phải khơi dậy khát vọng dân tộc
Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển, đưa đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ, như tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra.
Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong quá trình cạnh tranh quốc tế.
Trong thời kỳ hiện nay, văn hóa không chỉ là tài sản để chúng ta cất giữ, để chúng ta nâng niu, để chúng ta tự hào mà phải được coi là "sức mạnh mềm" của đất nước để có thể mở rộng hợp tác cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam. Ngoài ra, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm.
GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM, Trường ĐH Khoa họcXã hội và Nhân văn TP HCM (ĐHQG TP HCM):
Xây dựng con người hiện đại - công dân toàn cầu
Văn hóa Việt Nam trong thời gian qua biến động rất mạnh. Đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, những năm 1950 do ảnh hưởng của văn hóa xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là sau Đổi mới, văn hóa biến động cực mạnh.
Từ việc trước đây coi trọng yếu tố tinh thần hơn vật chất thì ngày nay yếu tố vật chất có phần trội hơn. Trước đây tính cộng đồng làng xã thống trị thì nay tuy nó cũng vẫn còn rất mạnh (thể hiện ở tính a dua, chịu sự chi phối của ý kiến số đông) nhưng bên cạnh đó, tính cá nhân đã mạnh lên. Cái cần là bản lĩnh cá nhân thì vẫn còn yếu, nhưng thay vào đó là tính cá nhân ích kỷ. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa là không tương xứng. Quan điểm rất đúng đắn của Đảng về việc văn hóa là nền tảng tinh thần, là động cơ và mục tiêu của phát triển khi đi vào thực tế lại chưa đươc triển khai đầy đủ. Chúng ta đang tiến hành công nghiệp hóa và đô thị hóa, có nghĩa là đang xây dựng đất nước phát triển trong khi chưa có con người đô thị và công nghiệp. Do vậy, trước mắt chúng ta cần tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất cần thiết của con người hiện đại - công dân toàn cầu.
TS PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế:
Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực bảo tồn di sản
Giai đoạn 2021-2025, nhà nước cần có thêm nguồn đầu tư khác để bổ sung cho việc trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các hệ thống di tích, công trình có quy mô nhỏ. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần quan tâm đầu tư cho công tác kiểm kê, lập hồ sơ và số hóa một cách toàn diện các di sản văn hóa tại địa phương mình gắn liền với chương trình số hóa di sản văn hóa của quốc gia. Cần cải cách, điều chỉnh một số chính sách để đẩy mạnh hợp tác công tư, xã hội hóa nguồn lực bảo tồn di sản nhằm có thêm nguồn lực đầu tư ở khu vực này.
Di sản văn hóa không chỉ là sự hiển hiện, là cầu nối của quá khứ đến hiện tại và tương lai mà còn thực sự là một nguồn lực to lớn để phát triển đất nước một cách hài hòa, bền vững. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và phát triển kinh tế số hiện nay, văn hóa càng xứng đáng được quan tâm để đầu tư và khai thác một cách có hiệu quả.
TS TRẦN TUYẾT ÁNH, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL:
Gìn giữ các giá trị tốt đẹp trong gia đình
Khát vọng phát triển đất nước hùng cường và giàu bản sắc văn hóa đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp giáo dục nhân cách con người nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nói riêng. Tất cả những điều này nhằm tạo nên con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, có đủ trí tuệ, tài năng, đưa nước ta hội nhập với nền văn minh của nhân loại song vẫn giữ vững được những bản sắc văn hóa dân tộc.
Để chủ trương "xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" của Đảng đi vào cuộc sống, tôi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ông LÊ VĂN HOA, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa:
Văn hóa biển làm gốc để phát triển du lịch biển
Để phát huy văn hóa biển, nhất là tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài, có quần đảo Trường Sa là tiền tiêu của Tổ quốc, cần có sự đầu tư về văn hóa biển xứng tầm. Văn hóa biển phải là gốc để giữ gìn và phát triển kinh tế, bảo vệ biển đảo.
Chúng ta phải gìn giữ nét văn hóa, các thiết chế văn hóa của cộng đồng ngư dân ven biển bằng sự đầu tư quan tâm của Nhà nước thông qua việc đầu tư, tôn tạo các đình lăng, miếu mạo. Hoặc có cơ chế để các nhà đầu tư vào Khánh Hòa phải cam kết đóng góp kinh phí đầu tư thiết chế văn hóa, đưa văn hóa biển vào các hoạt động du lịch để giới thiệu quảng bá hình cho bạn bè trong nước và quốc tế. Ở nhiều nước, văn hóa vùng miền chính là cái gốc, tạo thành động lực để du lịch phát triển.
Ông ĐẶNG GIA DUẨN, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk:
Bảo tồn và phát huy các giá trị cồng chiêng
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, không gian văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang đứng trước khó khăn, thách thức, do quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội, tín ngưỡng, đã và đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của một bộ phận nhân dân chưa cao. Nhiều nơi cồng chiêng không còn mang ý nghĩa linh thiêng mà trở thành vật buôn bán, trao đổi, phục vụ cho mục đích khác, văn hóa cồng chiêng đang có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ kịp thời.
Để thực hiện các nội dung theo cam kết, bảo tồn và phát huy các giá trị cồng chiêng, từ năm 2007 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 4 Nghị quyết và đang trình HĐND tỉnh ban hành "Nghị quyết bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022-2025".
Nhà thơ NGUYỄN KIM HUY, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng:
Xây dựng nền văn hóa hiện đại tiếp nối truyền thống
Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra đúng lúc, đúng thời điểm quan trọng vì có rất nhiều lĩnh vực văn hóa chúng ta cần phải chấn chỉnh. Đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa mạng đang có những diễn biến vô cùng phức tạp.
Quan hệ giữa con người với con người trong xã hội hiện nay có rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải soi rọi lại dưới ánh sáng văn hóa dân tộc, dưới những nhận thức của mỗi con người trong cách ứng xử văn hóa, trong gia đình, trong cơ quan, trong xã hội. Từ đó có thể xây dựng một nền văn hóa xã hội Việt Nam hiện đại đúng như chúng ta mong đợi cũng như tiếp nối được truyền thống văn hóa cực kỳ quý báu ngàn đời của cha ông.
Ca sĩ QUANG HÀO, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương (TP Đà Nẵng):
Nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của văn hóa
Vừa qua, những ồn ào trong giới nghệ sĩ xung quanh việc làm từ thiện, quảng cáo hay nghệ sĩ phát tán tin sai lệch… đã khiến khán giả thất vọng và hoài nghi về các giá trị chân, thiện, mỹ. Làm sao để showbiz Việt không còn là nơi dung dưỡng cho những vấn đề như vậy? Phải chăng sự tự do thái quá trên môi trường mạng khiến người nổi tiếng có cách hành xử thiếu văn hóa, phát ngôn thiếu cẩn trọng, làm ảnh hưởng đến giới nghệ sĩ nói chung và tác động tiêu cực đến công chúng trẻ? Đó là những vấn đề cần được đặt ra trong việc xây dựng con người văn hóa, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề cập: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại".
Tôi rất quan tâm đến hội nghị này và vui mừng khi việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam được đặt ra. Tôi kỳ vọng hội nghị là dịp để nhìn nhận đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa; từ đó có thể đầu tư xứng tầm cho văn hóa, đầu tư chất lượng hoạt động văn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực làm văn hóa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa.
Ông A JAR (người dịch sử thi của dân tộc Ba Na và Xê Đăng của tỉnh Kon Tum):
Gìn giữ văn hóa Tây Nguyên
Văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đang ngày càng mai một. Những người trẻ tuổi thờ ơ với những nghề, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Trong thời gian tới, chính quyền cần quan tâm hơn nữa, có những biện pháp khuyến khích để đồng bào dân tộc gìn giữ nét văn hóa của dân tộc. Cần có sự hỗ trợ về vật chất của chính quyền để những nghệ nhân, những người có tâm huyết, có kiến thức, có trình độ có thể truyền dạy lại những nét văn hóa truyền thống cho thế hệ sau. Riêng đối với những người tham gia học, cũng cần hỗ trợ chút ít về vật chất để khuyến khích họ đi học bởi đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, giờ đi học người ta phải đi làm để kiếm sống hoặc nghỉ ngơi sau ngày làm việc.
Bình luận (0)