Ngày 14-4, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các ban quản lý dự án trực thuộc và lãnh đạo UBND 13 tỉnh có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km) đi qua để gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB).
Lượng GPMB đạt được chỉ là phần dễ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, từ tháng 3 đến tháng 5-2019, Bộ GTVT đã hoàn thành bàn giao mốc GPMB dự án cho các địa phương để thực hiện và theo yêu cầu của Chính phủ, đến cuối tháng 6, phải hoàn thành để đồng loạt thi công vào tháng 8.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng - Bộ GTVT, hiện đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng hơn 457 km, đạt 70%; có 36/114 khu tái định cư đã được phê duyệt, trong đó 35 khu đang xây dựng và số còn lại đang khảo sát, thiết kế, trình thẩm định hoặc phê duyệt hồ sơ thiết kế. Trong năm 2019-2020, 10/11 dự án được cấp hơn 10.200 tỉ đồng, các địa phương đã giải ngân trên 5.000 tỉ đồng cho việc GPMB. Kế hoạch trong năm 2019, các tỉnh cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp, hoàn thành GPMB trong quý II/2020. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các địa phương chưa xong khâu bồi thường đất nông nghiệp và đất ở đang giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt. Ông Thể khẳng định rằng khối lượng GPMB đạt 70% là phần dễ bởi đây là đất nông nghiệp, 30% còn lại thực hiện rất khó khăn vì là đất ở, gần khu dân cư hoặc có nhiều công trình hạ tầng.
Tư lệnh ngành GTVT cũng khẳng định thẩm quyền GPMB thuộc chủ tịch UBND tỉnh nên các địa phương phải vận dụng các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách của mình nhằm giải quyết nhanh chóng nhất.
Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối tỉnh Quảng Trị với Thừa Thiên - Huế đã được thi công nhưng chưa hoàn thành bàn giao mặt bằngẢnh: Đức Nghĩa
Quy trách nhiệm cho lãnh đạo ban
Đến nay, trong 7 dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh trở lên thì chỉ còn dự án cầu Mỹ Thuận 2 ở tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long chưa trình Bộ GTVT phương án tổng thể GPMB. Theo ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), tỉnh Tiền Giang đang lập và sẽ trình vào ngày 20-4.
"Dự án này bố trí đầy đủ vốn xây lắp, GPMB và đây là 1 trong 3 dự án được Thủ tướng chỉ đạo triển khai khẩn trương nhưng lại rất chậm, đặc biệt là phương án tổng thể. Ban Quản lý dự án 7 là cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho bộ, làm cầu nối giữa 2 địa phương này với bộ mà như vậy thì phối hợp chưa ổn" - ông Thể phê bình. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết trong 2 dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 24,45 km hiện đã GPMB đạt 55,2%; các khu tái định cư đang trong giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo ông Thạch, dự án đi qua TP Ninh Bình và TP Tam Điệp nên phải mất thời gian điều chỉnh quy hoạch đô thị, số lượng dân ảnh hưởng nhiều; cần xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định rằng tại các địa phương có sự vào cuộc của bí thư, chủ tịch tỉnh thì công tác GPMB được tiến hành rất nhanh. Vì vậy, ông đề nghị tỉnh nào còn chậm thì phải báo cáo với những lãnh đạo này để tháo gỡ. Đối với các Ban Quản lý dự án, ông Nhật nhấn mạnh: "Việc đền bù GPMB là trách nhiệm của địa phương nhưng bộ muốn lấy mặt bằng thì phải vào cuộc, không thể giao trắng cho địa phương".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu chậm nhất tới tháng 6 phải giải ngân hết 6.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch vốn của năm 2020. Vậy nên, các ban phải tham mưu cho các địa phương, nếu ban nào không tham mưu được thì giám đốc chịu trách nhiệm. Bộ trưởng cũng cho hay việc Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi các Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị đưa công tác GPMB dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào công việc mang tính đột xuất, quan trọng để các địa phương vào cuộc quyết liệt.
Phải rà soát con số vượt
Đối với vấn đề dự toán kinh phí GPMB vượt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các BQL dự án phối hợp với địa phương căn cứ đơn giá đất hiện nay để sớm có con số tương đối chính xác. Đồng thời, nêu rõ lý do vượt, phát sinh từ đâu, nguyên nhân và có phù hợp với các quy định pháp luật hay không? Dự án nào có thể điều chỉnh trong tổng mức của từng dự án và thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT thì có thể bóc tách ra, tham mưu lãnh đạo bộ xem xét; có thể điều tiết nội bộ trong 11 dự án hay phải báo cáo Thủ tướng, Quốc hội để có giải pháp xử lý.
Bình luận (0)