Theo tờ trình này, giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 là 1.430 đồng/m3 (chưa gồm thuế GTGT), năm 2021 là 2.033 đồng, năm 2022 là 2.694 đồng, năm 2023 là 3.426 đồng và 4.237 đồng vào năm 2024. Sau khi thu tiền dịch vụ thoát nước sẽ không còn thu phí bảo vệ môi trường 10% trên giá nước. Lo, tất nhiên phải lo vì đây là mặt hàng thiết yếu không thể không sử dụng. Lo cũng đành chịu và phải chờ sự cân nhắc của cơ quan chức năng, tính toán để có mức thu hợp lý, ít ảnh hưởng nhất đến đời sống người dân, nhất là số đông người có thu nhập thấp.
Thu phí nước thải là việc tất yếu phải làm dù sớm hay muộn. Với dân số ngày càng tăng, sản xuất ngày càng mở rộng, mật độ xây dựng cao... thì nguồn phí bảo trì, vận hành hệ thống thoát nước cũng cao theo. Phí bảo vệ môi trường trong giá nước sẽ không bao giờ cáng đáng nổi công việc này. Trong thời gian trước mắt, phí nước thải giúp vận hành, bảo trì hệ thống hiện có là chính, chứ không thể "mơ" sẽ cải tạo cả hệ thống xử lý nước thải hiện hành.
Từ năm 2008, TP HCM có nhà máy xử lý nước thải đầu tiên, là Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng với tổng công suất 141.000 m3/ngày. Sau đó là trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa với công suất xử lý 30.000 m3/ngày đêm. Cả 2 hệ thống chỉ xử lý khoảng 13% lượng nước thải cả TP. Đến nay, đã có thêm 2 nhà máy xử lý nước thải nhưng bởi nhiều lý do khác nhau nên những nhà máy này vẫn chưa vận hành tốt. So với quy hoạch của Thủ tướng vào năm 2010, đến năm 2025, TP HCM có 12 nhà nhà máy xử lý nước thải thì còn quá xa vời. Nói cách khác, phần lớn nước thải hiện nay vẫn là đổ ra sông.
Muốn sạch - đẹp, thông thoát thì chẳng còn cách nào khác là tăng nguồn thu để dịch vụ thoát nước vận hành thông suốt, có tích lũy đầu tư nâng cấp hệ thống, xa hơn là gầy dựng hệ thống thoát nước hiện đại. Cống thoát nước chỉ là bước đầu, sơ khai nhất của việc giải quyết nước thải đô thị từ xa xưa. Đáng tiếc, đến nay, phần lớn đô thị của chúng ta vẫn phải vận hành hệ thống này và chỉ xử lý ô nhiễm giản đơn. Việc mà các đô thị cần hiện nay là xử lý triệt để ô nhiễm từ nước thải, tránh tình trạng thoát nước chỉ là dời nước bẩn từ nơi này sang nơi khác.
Mục tiêu xa hơn chính là hệ thống xử lý nước thải hiện đại, chống ngập và thu hồi nước sạch cung cấp trở lại cho người dân. Nhiều nước trong khu vực đã làm việc này từ lâu. Ví dụ như chính quyền Singapore đầu tư hệ thống thoát nước thải ngầm với chi phí lên đến 7,2 tỉ USD từ ngân sách quốc gia. Hệ thống này giải quyết gần như trọn vẹn về thoát nước thải đô thị, sau đó xử lý thành nước sạch để tái sử dụng.
Dẫn chứng như thế để thấy câu chuyện căn cơ về xử lý nước thải, thoát nước đô thị không riêng gì TP HCM mà cả các đô thị khác còn nằm ở phía trước rất xa. Mục tiêu thu phí thoát nước hiện tại chỉ là một phần nhỏ và không thể giải quyết nổi vấn nạn ô nhiễm từ nước thải.
Bình luận (0)