Tỉnh Quảng Ngãi có 64 tàu cá được vay vốn đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (viết tắt Nghị định 67). Hiện 10/11 tàu vỏ thép và hàng chục tàu gỗ công suất lớn nằm bờ do làm ăn thua lỗ. Tình trạng nợ xấu từ vốn vay Nghị định 67 đang tăng cao, trên 105 tỉ đồng.
Hàng trăm tỉ đồng nợ xấu
Neo đậu ở cảng cá Tịnh Hòa đã gần 3 năm qua, con tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỉ đồng của ông Trương Văn Chín (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu xuống cấp. Cabin, khoang tàu, hầm máy... hoen gỉ nặng, thân tàu nghiêng về một bên.
"Đi được 10 chuyến thì ngân hàng (NH) ách lại vì không trả được nợ vay. Đến giữa năm 2017, tôi đưa tàu về cảng Tịnh Hòa neo đến bây giờ... Tất cả mọi thứ đều do NH nắm giữ, tiền hỗ trợ theo Nghị định 48 của Chính phủ NH cũng giữ luôn. Tôi đề xuất với NH cho nhận lại 50% số tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 (Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa để đưa tàu đi duy tu, sửa chữa - PV) với chi phí sửa chữa khoảng 2 tỉ nhưng NH không đồng ý mà có đơn kiện ra tòa" - ông Chín nói.
Hàng loạt tàu cá vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng nặng sau khi hạ thủy chưa được bao lâuẢnh: ĐỨC ANH
Neo sát bên tàu của ông Chín là tàu vỏ thép số hiệu QNg 90999TS công suất 811 CV của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Tàu hạ thủy đầu năm 2016 với tổng vốn hơn 14 tỉ đồng, trong đó 13 tỉ đồng vay từ một chi nhánh NH ở Quảng Ngãi. Hạ thủy chưa được bao lâu, chủ tàu không trả được nợ nên buộc phải neo đậu tại bờ nhiều năm qua, NH khởi kiện chủ tàu.
Thống kê mới nhất của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, tỉnh này có 65 tàu cá đóng mới, nâng cấp từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 với tổng số tiền vay hơn 719 tỉ đồng. Hiện chỉ có 57 tàu đang hoạt động, số còn lại bị tai nạn hư hỏng, cháy chìm hoặc gặp sự cố phải nằm bờ.
Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam, nhiều tàu cá đánh bắt không hiệu quả dẫn đến chậm trả lãi vay khiến các NH kêu trời.
Tại tỉnh Bình Định, trong số 62 ngư dân được vay gần 1.000 tỉ đồng để đóng tàu cá theo Nghị định 67 thì đến 48 ngư dân nợ quá hạn NH 266 tỉ đồng, bao gồm 126 tỉ đồng tiền gốc và 140 tỉ đồng tiền lãi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng là do ngư trường đánh bắt không thuận lợi, chi phí vận hành tàu cao; nhiều tàu cá hoạt động khai thác thủy sản không hiệu quả; chủ tàu không mua được bảo hiểm nên không thể ra khơi, không có thu nhập trả nợ cho NH... Theo đại diện một số chi nhánh NH thương mại ở tỉnh Bình Định, việc khởi kiện chủ tàu ra tòa là điều không mong muốn. Nếu thắng kiện, khi thu hồi tài sản là tàu cá, các NH lại phải tốn thêm nhiều chi phí trông coi, bảo quản bởi tàu nằm bờ sẽ càng xuống cấp và rất khó tìm được khách hàng mua lại tàu, mà số tiền thu về cũng rất thấp.
Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho hay toàn TP có 7 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, tất cả đều hoạt động không hiệu quả. Hiện nợ xấu ở các NH đối với 7 tàu này lên đến hơn 100 tỉ đồng.
Xin giãn nợ, hoán cải tàu
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới), cho biết 14 chủ tàu được đóng mới theo Nghị định 67 ở xã biển này vừa có đơn kiến nghị lên các sở, ngành và NH xin giãn thời gian trả nợ tàu từ 15 năm lên 20 năm. Hiện nay, trung bình mỗi chủ tàu phải trả nợ cả gốc lẫn lãi hơn 1 tỉ đồng/năm. Đây là khoản nợ mà ngư dân khó lòng trả nổi trong bối cảnh hoạt động đánh bắt thua lỗ, chi phí sửa chữa càng cao do tàu nhanh xuống cấp.
Trả lời về việc này, ông Trần Xuân Sơn, Phó Giám đốc NH Agribank Chi nhánh Quảng Bình, khẳng định nguồn tiền là NH lấy từ nguồn vốn huy động để cho vay nên ngư dân vi phạm hợp đồng, không trả nợ thì phải xử lý theo quy định.
Một tàu vỏ thép của ngư dân ở Quảng Bình đang nằm bờ dài ngày Ảnh: HOÀNG PHÚC
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng chục tàu hoạt động không hiệu quả. Thứ nhất là việc thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần, chất lượng một số tàu chưa bảo đảm. Thứ hai là các quy định của bảo hiểm về bồi thường ngư cụ cho ngư dân có nhiều bất cập, thiệt thòi cho ngư dân.
Một trong những chủ tàu ở Đà Nẵng là ngư dân Trần Văn Mười (ngụ quận Sơn Trà, chủ tàu vỏ thép DNa 90777). Tàu này đóng mới năm 2016 với tổng số tiền hơn 18,5 tỉ đồng, trong đó khoảng 17,5 tỉ đồng vay NH. Sau gần 5 năm hoạt động, ông còn nợ NH khoảng 17 tỉ đồng nên tàu phải nằm bờ. Ông Mười và nhiều chủ tàu khác cùng có chung nguyện vọng, là có thể hoán cải lại để làm tàu dịch vụ hậu cần thay vì tàu chụp mực như thiết kế ban đầu.
Đề xuất chuyển nhượng tàu
Để tìm hướng ra cho tàu đóng theo Nghị định 67, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm gỡ vướng, giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi trở lại. Quảng Ngãi đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương có cơ chế cho phép ngư dân chuyển nhượng lại cho người có nhu cầu và năng lực về tài chính, cũng như khả năng đánh bắt đối với các tàu hoạt động không hiệu quả.
"Bất cập ở chỗ khi mua lại, chủ tàu mới phải gánh luôn cả khoản nợ trước đó của chủ tàu cũ. Dù việc chuyển nhượng sẽ giúp có cơ hội phát huy hiệu quả con tàu song để tránh những xung đột trách nhiệm nếu không may tàu bị sự cố thì phải đợi Bộ Tài chính xem xét thông qua cơ chế hỗ trợ lãi suất về vốn đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại tàu cũ" - ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, băn khoăn.
Trong khi chờ đợi hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc chuyển nhượng, một số ngư dân muốn được cho thuê tàu để gia đình có thêm thu nhập. "Tàu vươn khơi hoạt động cũng sẽ hạn chế hư hỏng vì được duy tu bảo dưỡng. Nhưng việc cho thuê này phía NH không đồng ý" - ngư dân Võ Văn Hân (ngụ xã Bình Châu) bộc bạch.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt và ban hành kế hoạch thu hồi nợ vay được đóng theo Nghị định 67. Qua đó, các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục hành nghề, trả nợ vay và hỗ trợ các chi nhánh NH thương mại đánh giá tình hình khai thác thủy sản của ngư dân để phân loại, thu nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng. Còn ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cũng cho hay địa phương chủ trương làm việc với NH để không xảy ra tình trạng các NH kiện tụng chủ tàu.
Công ty bảo hiểm - chủ tàu tranh chấp
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, ngoài chuyện nợ nần của các chủ tàu cá, tại tỉnh này còn phát sinh nhiều khó khăn trong việc giải quyết bồi thường cũng như phát sinh nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và các chủ tàu.
Nguyên nhân do thời gian qua, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành một số văn bản mới hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017. Một số quy định mới trong các văn bản này (về phạm vi hoạt động, định biên an toàn tối thiểu tàu cá, bằng cấp của thuyền viên...) chưa được cập nhật trong Quy tắc bảo hiểm tàu cá xa bờ theo Nghị định 67.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp đồng bảo hiểm đã có công văn gửi đến Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính kèm theo đề xuất sửa đổi quy tắc, biểu phí nhằm áp dụng cho phù hợp với chương trình bảo hiểm này. Bên cạnh đó, do kết quả kinh doanh của bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 từ năm 2015-2019 rất xấu, tỉ lệ tổn thất cao, số tiền bồi thường lớn và rất nhiều vụ tàu tổn thất toàn bộ (cháy nổ, chìm đắm...) mà không xác định được nguyên nhân nên các doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng cường đánh giá rủi ro để kiểm soát tỉ lệ tổn thất cũng như khả năng trục lợi bảo hiểm và buộc phải tạm thời không nhận bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 cho đến khi nhận được hướng dẫn mới từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm.
Bình luận (0)