Sáng 17-10, hai ngày sau khi ra Hà Nội nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018, cô giáo Phan Thị Sen, Trưởng Phòng Dạy thực hành Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật (PHCN-GDTEKT) Khánh Hòa, đã vội vàng về lại mái trường nhỏ để chăm sóc cho các em học sinh khuyết tật thân yêu của mình.
5 đề tài, 3 sáng kiến
Vào Trung tâm PHCN-GDTEKT Khánh Hòa đúng lúc các em vừa tan học, chuẩn bị ăn trưa, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục giáo viên đang tất tả lo cho các em. Dẫn các em từ phòng học ra bàn ăn, cô Phan Thị Sen ân cần dặn dò từng học sinh không được dùng tay bốc thức ăn, không được nghịch ngợm. Cách tiếp xúc với các học sinh của cô Sen cũng rất đặc biệt, hết sức nhẹ nhàng, từ tốn, kiên nhẫn.
Xuất thân là giáo viên dạy tiểu học, từ năm 1995, cô Sen được giới thiệu vào giảng dạy tại Trung tâm PHCN-GDTEKT Khánh Hòa. Những ngày đầu tiếp xúc với trẻ khuyết tật, cô gặp rất nhiều khó khăn vì các em không chỉ bị khuyết tật mà còn mắc nhiều bệnh như Down, tự kỷ, tâm sinh lý bất ổn. "Nhưng chứng kiến nỗi đau tinh thần mà các em phải gánh chịu, bản thân tôi tự nhủ cần phải chia sẻ, giúp các em hòa nhập cuộc sống. Thấm thoắt giờ đã 23 năm rồi" - cô Sen bộc bạch.
Cô Sen cho biết do hạn chế ngôn ngữ giao tiếp, khó giãi bày để bạn bè, thầy cô hiểu nhu cầu của mình nên các em lúc nào cũng muốn nổi loạn, quậy phá, la hét. Một lớp thường có 12-14 trẻ nhưng mỗi một trẻ có mức độ nhận thức khác nhau, đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh gia đình, chế độ chăm sóc khác nhau, không trẻ nào giống trẻ nào. Do đó, cô phải áp dụng thử nghiệm các phương pháp khác nhau cho từng học sinh. Em nào có tiến bộ thì cô ghi chú lại và đưa ra phương pháp để các em hoàn thiện dần.
Cô Phan Thị Sen cùng trẻ khuyết tật trong giờ ăn trưa và trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa, hỗ trợ các em tham gia những hoạt động cộng đồng
Từ năm 2001 đến nay, cô Sen đã có 5 đề tài, 3 sáng kiến dạy học mang lại hiệu quả cao. Đề tài nổi bật là "Phương pháp dạy trẻ Down hòa nhập cuộc sống". Còn 3 sáng kiến dạy học gồm: "Mô hình trực quan dạy đại lượng đo thời gian cho trẻ khiếm thính" giúp trẻ nhận biết thời gian; sáng kiến "Khung chứa dữ liệu bài tập trắc nghiệm" giúp dạy trắc nghiệm, kể chuyện được dễ dàng cho các cháu; sáng kiến "Tranh, hình ký hiệu ngôn ngữ với các mẫu câu giao tiếp thông thường" bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, giúp các học sinh tăng cường vốn ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu hòa nhập, tạo thích thú trong giao tiếp cho các em.
Trao tình cảm, nhận yêu thương
Tại Trung tâm PHCN-GDTEKT Khánh Hòa, trẻ khuyết tật sẽ được học hết chương trình tiểu học. Khi học xong, các em cũng ở độ tuổi 16-18 tuổi. Mục tiêu đặt ra là khi ra trường, các học sinh không trở thành gánh nặng xã hội, tự lo được cho bản thân.
Phương pháp giảng dạy dựa trên các sáng kiến của cô Sen mang lại hiệu quả cao, nhờ chú trọng trang bị kỹ năng tự phục vụ cho trẻ khuyết tật; dạy các em biết đọc, viết, nói ra cộng đồng hiểu, vượt qua mặc cảm, tự ti. Cô Sen dẫn chứng: "Như việc dạy cờ vua, tham dự và có giải với học sinh bình thường đã khiến các em tự tin. Chúng tôi làm như vậy để các em hiểu rằng mình có khả năng, không thua kém. Hoặc chúng tôi tổ chức cho các em biểu diễn văn nghệ cho cộng đồng, xã hội cũng giúp các em sống tự tin, sống có ích".
Đối với học sinh khuyết tật nơi đây, cô Sen như người mẹ hiền. Nói về một kỷ niệm sâu sắc, cô Sen kể lại trường hợp học sinh Lê Văn Cường (năm nay 25 tuổi; ngụ huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) bị khiếm thính. Cường vào Trung tâm PHCN-GDTEKT Khánh Hòa với độ tuổi khá lớn, mọi việc với Cường đều là bản năng, tính tự do rất cao. Cường học được một thời gian thì nghỉ, đi làm thuê bỏ mối bánh mì ở Nha Trang.
Khi thấy Cường lấy xe máy chạy như bay trên đường, cô Sen liền "phục" ở nơi em bỏ bánh mì. Cô khuyên Cường không nên đi xe nhanh, vì nếu xảy ra chuyện gì thì sẽ liên lụy đến gia đình. Cô mua cho Cường cặp kính xe máy, rồi ngồi vẽ cho em những ký hiệu về tốc độ. "Tôi bắt em nghéo tay và cho biết sẽ giám sát. Thế là thỉnh thoảng một tuần tôi lại dành ít thời gian "đứng canh" để cho em biết cô vẫn theo dõi. Sau này, Cường lên Lâm Đồng lập nghiệp rồi lấy vợ, có con. Tết vừa rồi, Cường lấy xe máy chở cả vợ, con về thăm cô. Thấy em như vậy tôi không cầm được nước mắt" - cô Sen xúc động.
Bao lứa học trò đều gắn bó với cô giáo Phan Thị Sen như thế. Cô bày tỏ: "Nếu trao tình cảm cho các em thì các em trao lại cho mình cả con tim. Một tình cảm trong sáng, chân thành khiến tôi yêu thêm cái nghề mà tôi nặng nợ".
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Công đoàn Khánh Hòa là đơn vị giới thiệu cô Phan Thị Sen để xét Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018. Bà Hồ Thị Phương Chi, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, nhận xét: "Chị Sen thật sự là người phụ nữ đi đầu trong phong trào "giỏi việc nước, đảm việc nhà" của tỉnh Khánh Hòa. Trong cuộc sống chị rất nhẹ nhàng, chỉn chu, công việc thì hết mình vì trẻ khuyết tật". Ông Phan Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm PHCN-GDTEKT Khánh Hòa, cho biết thêm: "Trong cuộc sống cô Sen là người phụ nữ nghị lực, vượt qua khó khăn trong gia đình khi chồng không may qua đời, một mình nuôi 2 con khôn lớn. Trong công tác, cô nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, được các cấp khen thưởng từ cấp ngành đến bằng khen của Thủ tướng Chính phủ".
Ngoài giảng dạy tại Trung tâm PHCN-GDTEKT Khánh Hòa, hiện nay, cô Phan Thị Sen còn phụ trách CLB khiếm thính "Biển Xanh". Đây là nơi người khiếm thính được cô hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm...
Kỳ tới: Người phụ nữ "vác tù và"
Bình luận (0)