Theo thống kê, hiện các bãi tro, xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đang chứa gần 12 triệu tấn. Những bãi tro, xỉ này từng gây nên nỗi lo thường trực cho người dân khi trước đây tro, xỉ được xem là chất thải nguy hại mà phương pháp thông dụng ở đây vẫn chỉ là chôn lấp. Tuy nhiên, từ năm 2019, theo quy chuẩn mới, tro, xỉ từ hoạt động sản xuất điện than được xem là chất thải công nghiệp.
"Sau khi có quy định mới này, tỉ lệ tiêu thụ tro, xỉ của nhà máy chúng tôi tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, từ năm 2018 lượng tro, xỉ tiêu thụ chỉ 7,5%, năm 2019 đạt gần 21%, sau đó tăng mạnh từ năm 2020 với hơn 54% và năm 2021 là trên 61%. Đến thời điểm hiện tại tổng khối lượng tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2 mang đi tiêu thụ đạt khoảng 2,1 triệu tấn" - ông Đỗ Huỳnh Phong, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân (chủ đầu tư NMNĐ Vĩnh Tân 2), nói. Hiện đơn vị này đã ký kết hợp đồng với 5 đơn vị với khối lượng tiêu thụ hằng năm tối thiểu 680.000 tấn, tương ứng 56% lượng phát sinh.
Bãi tro, xỉ tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, huyện Tuy Phong
Tro, xỉ được các đơn vị mua về để làm nguyên liệu sản xuất bê-tông, vữa xây, làm vật liệu san lấp, làm nền đường,… Trong đó, công năng làm phụ gia trong sản xuất bê-tông, xi măng là phổ biến nhất.
Tuy đã có hướng về đầu ra cho tro, xỉ nhưng khó khăn về vận chuyển cũng như công nghệ xử lý khi tái sử dụng tro, xỉ, nên lượng tro, xỉ tồn ở các bãi chứa vẫn còn lớn. Theo thống kê, bãi xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng có diện tích hơn 38 ha, có khả năng lưu trữ khoảng 8,7 triệu tấn tro, xỉ. Hiện tại, bãi chứa này đã lưu trữ đến 8,1 triệu tấn. Riêng bãi chứa tro, xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 1 có diện tích gần 60 ha, sức chứa khoảng 7,5 triệu tấn và hiện cũng đã chứa hơn 1/2 dung tích.
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho biết vì chưa có cơ sở nào đầu tư quy trình xử lý tro, xỉ bài bản theo hướng công nghiệp nên tro, xỉ vẫn xem là chất thải. "Tỉnh có đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư vào phối hợp xử lý, tiêu thụ nhưng hầu hết đều chưa có sản phẩm nào đạt chuẩn sản xuất từ tro, xỉ. Trên địa bàn tỉnh thì tro, xỉ được dùng để san lấp ở một số địa điểm nhưng số lượng chưa nhiều. Riêng địa bàn các tỉnh khác có nhu cầu sử dụng để san lấp lớn thì do khoảng cách xa nên vận chuyển cũng khó khăn" - ông Hòa nói.
Trước đó, khi các nhà máy thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) đi vào hoạt động giai đoạn đầu, người dân sinh sống tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân luôn đặt trong trạng thái báo động về ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là tình trạng phát tán tro, xỉ vào mùa gió chướng thổi mạnh. Năm 2020, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và kết luận bụi và tiếng ồn phát sinh từ các nhà máy nơi đây vượt ngưỡng cho phép.
Bình luận (0)