Ngày 26-2 tới đây, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức lễ khánh thành Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (đường Trần Quý Cáp, TP Buôn Ma Thuột) chính thức đưa bệnh viện vào hoạt động. Trước những lùm xùm quanh bệnh viện ngàn tỉ này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được thiết kế khá hiện đại, rộng rãi
Phóng viên: Vì sao Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lại chậm tiến độ nhiều năm thưa ông?
Ông Doãn Hữu Long: Trước thực trạng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã xuống cấp, chật hẹp, năm 2010 Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỉ đồng, thiết kế 800 giường bệnh, diện tích mặt sàn hơn 70.000 m2 trong khuôn viên 12 ha. Trong đó, Sở Y tế làm chủ đầu tư xây dựng bệnh viện, UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường vào bệnh viện. Dự kiến năm 2013 sẽ đưa vào hoạt động nhưng năm 2011, bệnh viện nằm trong kế hoạch giản vốn của Trung ương nên đầu tư nhỏ giọt, mãi đến năm 2015 mới có đủ vốn xây dựng.
Bên cạnh đó, khi thiết kế, bệnh viện mới chỉ có 800 giường và sẽ duy trì bệnh viện cũ khoảng 700 giường cho chuyên khoa ung bướu và sản nhi. Sau đó, do bệnh viện cũ đã quá xuống cấp, nếu duy trì phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng sửa chữa, bổ sung trang thiết bị và thiếu nhân lực nên tỉnh đã quyết định chuyển toàn bộ bệnh viện cũ sang bệnh viện mới. Lúc này bệnh viện mới phải điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục để đáp ứng, kéo dài thời gian xây dựng. Ngoài ra, một số nhà thầu năng lực yếu làm chậm tiến độ, buộc chủ đầu tư đã ra các quyết định xử phạt theo quy định pháp luật…
Ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng việc chuyển toàn bộ nhân viên y tế từ bệnh viện cũ sang nên bệnh viện vùng mới chỉ là "bình mới, rượu cũ"?
Ông Doãn Hữu Long: Để đánh giá chất lượng bệnh viện phải dựa trên 83 bộ tiêu chí, chứ không phải một vài tiêu chí. Bệnh viện mới cơ sở vật chất hiện đại, sạch sẽ, rộng rãi (gấp hơn 2 lần diện tích bệnh viện cũ) tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh cũng như đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho vệnh viện vùng vào hoạt động, trong 5 năm qua, Sở Y tế đã cử, thậm chí "ép" đội ngũ bác sĩ đi học, hiện đã đảm bảo trên 60% phó, trưởng khoa có trình độ chuyên khoa 2 hoặc tiến sĩ, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 1. Bệnh viện đã triển khai khoảng 50 dịch vụ kỹ thuật cao của 13 chuyên khoa. Song song đó, hiện nay tỉnh đang tiếp tục đầu tư hơn 100 tỉ đồng để mua sắm các trang thiết bị hiện đại, chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh cho người dân sẽ được nâng lên.
Phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Phóng viên: Có một số ý kiến băn khoăn về chất lượng xây dựng bệnh viện?
Ông Doãn Hữu Long: Bệnh viện vùng được thiết kế hơn 10 năm trước, theo quy chuẩn cao, chỉ có 800 giường bệnh, trong khi thực tế hiện nay là phải đáp ứng khoảng 1.200 giường bệnh do bỏ bệnh viện cũ nên một số hạng mục phải điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, thời điểm thiết kế chưa có một số máy móc hiện đại như hiện nay nên phải điều chỉnh phòng ốc. Bệnh viện bắt đầu xây dựng từ năm 2010 (đến nay qua 4 đời Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk), một số hạng mục được bàn giao 6-7 năm trước nên chắc chắn có một số vị trí bong tróc. Về tổng thể, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng đã kiểm tra, đánh giá Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đảm bảo chất lượng để đưa vào hoạt động.
Phóng viên: Chiến lược phát triển của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên như thế nào thưa ông?
Ông Doãn Hữu Long: Bệnh viện vùng sẽ phát triển đều các chuyên khoa như hiện nay, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận 2 nước bạn Lào và Campuchia nói chung. Đồng thời, chú trọng phát triển chuyên khoa tim mạch can thiệp, mổ tim hở, ung bướu, thận tiết liệu… Việc phát triển các chuyên khoa này để kịp thời cứu chữa cho người dân vì nếu phải chuyển xuống TP HCM thì tỉ lệ tử vong cao.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã đi vào hoạt động
Phóng viên: Đường vào bệnh viện vẫn chưa đảm bảo cho bệnh nhân, thưa ông?
Ông Doãn Hữu Long: Đúng, đó là 1 khó khăn hiện nay. Bệnh viện vùng được xây dựng ở khu vực xa khu dân cư, hiện có nhiều tuyến đường nối trung tâm TP Buôn Ma Thuột ra bệnh viện nhưng một số tuyến đường nhỏ hẹp, xuống cấp đang được cải tạo. Trong đó, tuyến đường Đông – Tây TP Buôn Ma Thuột, tuyến đường kết nối trung tâm thành phố qua bệnh viện vùng gần nhất đến nay vẫn chưa thông tuyến, phần nào ảnh hưởng đến quá trình di chuyển bệnh nhân.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)