Từ tháng 1-2018 đến nay, qua rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, toàn ngành tài chính đã cắt giảm được 2.985 đầu mối đơn vị hành chính, qua đó giảm trên 2.044 vị trí chức vụ lãnh đạo các cấp. Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập chi cục thuế khu vực thuộc 63 cục thuế tỉnh, TP, diễn ra ngày 26-2.
Tổng cục Thuế giảm được 2.485 đầu mối
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, toàn ngành tài chính tập trung rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức; tổ chức lại các cơ quan thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhờ đó, Tổng cục Thuế giảm được 2.485 đầu mối với hơn 27 phòng thuộc Tổng cục Thuế, 62 phòng của cục thuế tỉnh, TP. Trên cả nước giảm 296 chi cục thuế, giảm 2.100 đội thuế thuộc chi cục thuế. Tương tự, Kho bạc Nhà nước hiện đã giảm 234 đầu mối.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết Tổng cục Hải quan giảm được 253 đầu mối gồm 14 chi cục và 239 tổ, đội. Tổng cục Dự trữ nhà nước giảm được 4 chi cục và 9 bộ phận tương đương cấp tổ/đội. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 9 đơn vị, hiện còn 27 đơn vị.
Trong 2 năm qua, ngành tài chính đã từng bước sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, trong đó cắt giảm 296 chi cục thuế. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp. Ngoài ra, việc này cũng giảm số vị trí chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội, thay đổi phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành.
Tính đến hết tháng 2-2020, toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế. Số lượng chi cục thuế sau khi hợp nhất đã giảm từ 711 xuống còn 415 đơn vị. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng việc hợp nhất này ít nhiều sẽ có sự xáo trộn về tổ chức bộ máy, con người làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư của công chức nhưng theo ông, mọi người "rất hiểu và chia sẻ". Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị người đứng đầu Tổng cục Thuế và các cục triển khai tốt việc sắp xếp bộ máy, ổn định tư tưởng của cán bộ, công chức để bộ máy hoạt động hiệu quả nhất.
Về phía địa phương, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết đã thống nhất phương án hợp nhất Chi cục Thuế quận 7 và Chi cục Thuế huyện Nhà Bè thành Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè; hợp nhất Chi cục Thuế quận 12 và Chi cục Thuế huyện Hóc Môn thành Chi cục Thuế khu vực quận 12 - huyện Hóc Môn. Theo ông Tuyến, TP sẽ chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các chi cục thuế khu vực hoạt động ổn định, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá mô hình mới của ngành thuế đã gọn nhẹ hơn, cấp chi cục chỉ còn 415, đội thuế cũng giảm nhiều, từ đó góp phần vào việc tinh giản biên chế. Dù số lượng đầu mối cắt giảm rất lớn nhưng Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành thuế vẫn bảo đảm, thậm chí mức độ hài lòng của người dân, của người nộp thuế tăng từ 75% năm 2016 lên 78% năm 2019. Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác cán bộ của toàn hệ thống khi sắp xếp bộ máy; phải tìm những cán bộ giỏi, có đức, có tài để thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành tài chính trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn còn xảy ra thông qua phản ánh của dư luận cũng như DN. "Tôi lưu ý là vẫn còn một số cán bộ ngành thuế nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN, người dân. Chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ sự thờ ơ này" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và nhắc đến tình trạng "trên nóng dưới lạnh", nợ đọng thuế, chây ì nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn diễn ra.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan thuế tiếp tục theo dõi, kiện toàn bộ máy hoạt động, triển khai các nhiệm vụ trong việc cải cách thuế năm 2020 và xây dựng nhiệm vụ cải cách giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, ngành cũng cần tiếp tục thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá và đối thoại thường xuyên với người dân, DN để tháo gỡ khó khăn. Về công tác cán bộ trong ngành tài chính nói chung và thuế nói riêng, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất. "Công tác cán bộ ở ngành thuế từ tổng cục, cục, chi cục phải làm bài bản, chặt chẽ, công khai, minh bạch" - Thủ tướng chỉ đạo.
Trong bối cảnh cả nước vừa chống dịch Covid-19 vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng Bộ Tài chính, ngành thuế cần có chương trình tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh của người dân và DN, đặc biệt là chính sách thuế. Theo đó, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ như chậm nộp, hoãn nộp, giãn nộp thuế để tạo nguồn lực cho DN, người dân bị ảnh hưởng dịch.
Nâng cấp để quản lý thuế đối với tập đoàn xuyên quốc gia
Tại hội nghị, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép nâng cấp Vụ Quản lý thuế DN lớn thành Cục Quản lý thuế DN lớn trực thuộc Tổng cục Thuế. Đề nghị nâng cấp này đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia, DN quy mô lớn hoạt động xuyên biên giới với mô hình quản lý thuế hiện đại, tiên tiến.
Nếu nâng cấp, Cục Quản lý thuế DN lớn sẽ có đầy đủ chức năng về quản lý thuế, bảo đảm hoạt động độc lập, hiệu quả trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bình luận (0)