Ngày 30-6, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội.
Theo nghị định trên, kể từ ngày 1-7, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%); trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính sách này áp dụng đến hết năm 2023.
Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi nhờ nhiều hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, để doanh nghiệp (DN) không bị lúng túng trong việc thực hiện giảm thuế theo quy định của Quốc hội, Chính phủ, Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử tổ chức kết nối truyền nhận dữ liệu trực tiếp với cơ quan thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ GTGT về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử và giải pháp nâng cấp các biểu mẫu kê khai thuế GTGT theo quy định về giảm thuế GTGT năm 2023.
Đánh giá tác động của việc giảm thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết việc giảm 2% thuế GTGT sẽ có lợi trực tiếp cho người dân nhờ giảm giá bán của hàng hóa và dịch vụ chịu thuế suất 10%, từ đó giảm chi phí tiêu dùng. Đối với DN sản xuất - kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó hỗ trợ DN trong việc phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng mục tiêu xây dựng và ban hành chính sách giảm thuế GTGT là nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi và phát triển, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước. "Trong năm 2022, việc giảm thuế GTGT đã hỗ trợ DN và người dân khoảng 44.500 tỉ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thêm nguồn thu ngân sách nhà nước. Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, việc tiếp tục giảm thuế GTGT để hỗ trợ DN, người dân là rất cần thiết" - ông Khải nhấn mạnh.
Giảm 36 khoản phí, lệ phí trong nhiều lĩnh vực
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC quy định giảm mức thu từ 10%-50% đối với 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và DN, áp dụng từ ngày 1-7 đến hết năm 2023. Theo Bộ Tài chính, trong 36 khoản phí, lệ phí được giảm có 21 khoản phí, lệ phí được giảm tới 50% như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng... Theo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, việc giảm phí, lệ phí đến hết năm 2023 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 700 tỉ đồng.
Bình luận (0)