xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giảm tốc độ xe: Cần linh hoạt

GIA MINH - VĂN DUẨN

Việc giảm tốc độ đối với các loại xe có sức chở lớn chạy trong khu dân cư là cần thiết nhưng cần dựa trên cơ sở thực tế ở từng khu vực, từng tuyến đường

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho hay biết đang xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 91/2015, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ. Dự thảo thông tư này được Bộ GTVT lấy ý kiến các địa phương và người dân từ nay đến tháng 12-2018, sau đó sẽ ban hành.

"Phù hợp thực tế"?

Theo dự thảo thông tư nêu trên, điểm đáng chú ý là quy định ở điều 6 - sẽ điều chỉnh giảm tốc độ ở đường đôi với một số loại xe lớn (ôtô chở người trên 30 chỗ, xe buýt, xe khách giường nằm 2 tầng, ôtô tải có trọng tải trên 10 tấn, ôtô đầu kéo kéo sơ -mi rơ-moóc, ôtô kéo rơ-moóc, ôtô chuyên dùng) từ 60 km/giờ hiện nay xuống còn 50 km/giờ.

Giảm tốc độ xe: Cần linh hoạt - Ảnh 1.

Việc giảm tốc độ các loại xe có tải trọng lớn là cần thiết ở các tuyến đường đôi, “điểm đen” tai nạn hoặc mật độ phương tiện qua lại đông đúc.Ảnh: GIA MINH

Cụ thể, trên đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều từ 2 làn xe cơ giới trở lên tại khu đông dân cư, dự thảo thông tư quy định tốc độ tối đa là 50 km/giờ với ôtô trên 30 chỗ, xe buýt, xe khách giường nằm 2 tầng, ôtô tải trên 10 tấn và xe đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc; các phương tiện còn lại được giữ tốc độ tối đa 60 km/giờ.

Trên đường cao tốc, hiện tốc độ tối đa các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng là 120 km/giờ. Dự thảo mới giữ quy định này nhưng riêng đối với xe kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc hoặc kéo xe khác, xe chở người trên 30 chỗ, xe khách giường nằm 2 tầng, xe xì-téc và xe trộn, bơm vữa bê -tông, khi đi trên những đoạn đường có biển báo tốc độ tối đa cho phép lớn hơn 100 km/giờ, tốc độ tối đa vẫn không được quá 100 km/giờ.

Lý do được Tổng cục Đường bộ Việt Nam - đơn vị soạn thảo dự thảo thông tư - đưa ra là trước đây, đường đi qua khu đông dân cư hay tuyến cao tốc được quy định cùng loại tốc độ cho nhiều loại xe. Qua thực tế thực hiện, có nhiều ý kiến cho rằng để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), cần phân rõ tốc độ từng loại xe, nhất là đối với các loại có sức chở lớn nên đơn vị này đã chỉnh sửa theo hướng nêu trên cho phù hợp. Theo ông Bùi Khắp Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng - Bộ GTVT, việc chỉnh sửa trên là phù hợp với thực tế.

Không nên làm đại trà

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết dự thảo thông tư nêu rõ chỉ quy định giảm tốc độ với một số loại xe có tải trọng lớn chứ không điều chỉnh đối với tất cả các loại phương tiện. Như vậy là hợp lý, bởi khi các loại ôtô đều được phép lưu thông ở cùng một tốc độ giới hạn thì rất dễ gây ra tai nạn do các loại xe tải, xe khách thường có khối lượng trọng tải lớn, đồng nghĩa khoảng cách dừng xe phải cao hơn là điều hiển nhiên.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, ông Lê Văn Tiến, cho biết các tuyến đường đi qua khu vực đông dân cư hiện nay có mật độ giao thông rất lớn, cả phương tiện lẫn người đi bộ. Vì vậy, giảm tốc độ nhóm xe có tải trọng, kích thước lớn qua khu vực này là cần thiết.

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng mức giới hạn tốc độ ở những khu vực khác nhau. Trong đó, đối với những khu vực nhạy cảm hoặc phức tạp về tình hình giao thông - như xung quanh trường học, bệnh viện, khu đông dân cư... - thì không thể áp dụng việc giới hạn tốc độ như những khu vực khác mà phải có biện pháp kiểm soát và hạn chế. Ông Minh cho biết nhiều nước trên thế giới thường quy định tốc độ giới hạn của xe khách và xe tải thấp hơn ôtô con khoảng 16 km/giờ. Thậm chí, nhiều nước còn quy định xe tải chỉ được chạy ở làn ngoài cùng, sát vạch dừng khẩn cấp trên các tuyến cao tốc.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho hay nhiều tuyến đường ở TP đã được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới, tạo điều kiện cho phương tiện có thể tăng tốc độ nhưng vẫn cơ bản bảo đảm ATGT. Vì vậy, việc điều chỉnh giảm tốc độ, theo ông Quản, phải cân nhắc ở những khu vực, tuyến đường cụ thể chứ không nên thực hiện theo kiểu đánh đồng để không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng hóa.

Ông Quản cho rằng cơ quan quản lý cần khảo sát, có số liệu phân tích cụ thể để chứng minh nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn có phải là do việc tăng tốc độ trên các tuyến đường hay không, rồi đưa ra danh sách và quyết định. Riêng ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhấn mạnh nếu phải áp dụng, chỉ nên hạn chế tốc độ tại những khu vực nguy hiểm, hạn chế theo giờ hoặc "điểm đen" tai nạn giao thông (TNGT), không nên giảm tốc độ đại trà.

Thực tế nhìn từ TP HCM

Tại TP HCM, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP đánh giá việc tốc độ lưu thông ở các tuyến đường được nâng lên theo Thông tư 91 là một trong những nguyên nhân khiến tình hình TNGT trở nên phức tạp. Vì vậy, đơn vị này trước đó đã đề xuất giảm tốc trên 11 tuyến đường - các tuyến đường này hầu hết đi qua khu vực đông dân cư, nhỏ hẹp và có mật độ phương tiện lưu thông cao.

Ghi nhận thực tế tại TP HCM của phóng viên cũng cho thấy vào ban đêm, ở nhiều tuyến đường thuộc khu vực nội thành, các phương tiện có thể di chuyển với tốc độ tối đa, thậm chí vượt quá tốc độ. Về vấn đề này, cơ quan chức năng cũng đã có đánh giá là khung giờ xảy ra TNGT cao nhất trong ngày thường tập trung từ 19 giờ đến 1 giờ hôm sau.

Bên cạnh đó, TP HCM hiện có nhiều tuyến đường lớn, chạy xuyên qua các khu dân cư khá rộng nên vào ban ngày, nhiều phương tiện thuộc đối tượng được phép lưu thông đã chạy tốc độ tối đa cho phép dù đường có nhiều ngã ba, ngã tư. Điển hình như các tuyến Phạm Văn Đồng, Trường Chinh (đoạn từ mũi tàu Cộng Hòa đến An Sương)… Đây là số ít những tuyến đường mà trước đó TP HCM đã đề xuất giảm tốc độ nhằm hạn chế rủi ro xảy ra TNGT. 

Sao không phân biệt tốc độ ngày - đêm?

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ một doanh nghiệp vận tải chuyên hoạt động xe container tại TP HCM, cho rằng việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa chủ yếu của xe tải nặng là vào ban đêm khi đường vắng. Vì vậy, không cần thiết phải giảm tốc độ mà nên tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát khi về đêm thì sẽ hiệu quả hơn.

Theo ông Hải, khi hàng hóa, hành khách rút ngắn được thời gian đi lại thì các chi phí cũng sẽ giảm theo - nghĩa là tăng tốc độ không chỉ đơn thuần giúp giảm chi phí vận tải mà rộng hơn còn giúp giảm chi phí cho xã hội. Vì vậy, nên chăng các cơ quan xây dựng thông tư nghĩ đến việc xây dựng tốc độ theo khung giờ ngày - đêm, tức là ngày giảm, đêm tăng tốc và đi cùng với đó là tuần tra xử lý nghiêm vi phạm. G.Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo