Lao đã tồn tại hàng ngàn năm và nguyên nhân của bệnh này - do vi khuẩn lao - cũng đã được biết đến từ hơn 130 năm trước. Tuy nhiên, đến nay, căn bệnh này vẫn gây ra cái chết cho gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm trong số khoảng 11 triệu người mắc bệnh. Các chuyên gia y tế cho biết bệnh lao có thể được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Mỗi ngày, 46 người ra đi
Việt Nam là nước đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và có tới 16.000 người chết vì bệnh này mỗi năm. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó 7.000 người nhiễm lao đồng thời với nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và 6% trong số đó là lao siêu kháng thuốc.
Bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Phổi trung ương Ảnh: NGỌC DUNG
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia - so với năm 2000, Việt Nam đã giảm 50% số ca hiện mắc và mắc mới cũng như số người tử vong vì bệnh lao. Do được phát hiện, điều trị sớm nên số người mắc bệnh lao giảm khoảng 5%-6%/năm. Số người tử vong vì bệnh lao cũng giảm nhanh, chỉ riêng trong 2 năm 2015-2016 đã giảm 3.000 người. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày nước ta vẫn có tới 46 người chết do lao.
Kẻ giết người thầm lặng
Mỗi năm, cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỉ lệ chữa khỏi cao - hơn 90% trường hợp mắc mới. Thế nhưng, theo giới chuyên môn, đến nay, lao vẫn được coi là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới.
Dịch tễ lao ở nước ta còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới, xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Điều trị lao tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
"Trong số khoảng 130.000 bệnh nhân lao mắc mới mỗi năm trên cả nước, chỉ 100.000 người được phát hiện và điều trị. Điều đó có nghĩa là vẫn còn gần 30.000 người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị. Đây là tảng băng chìm rất nguy hiểm, bởi những người không được phát hiện có nguy cơ tử vong rất cao và còn là nguồn lây cho cộng đồng, khiến bệnh lao không thể giải quyết dứt điểm" - PGS Nhung trăn trở.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016, tại Việt Nam, số người chết do lao là 17.000, gấp đôi số tử vong vì tai nạn giao thông. Những cái chết vì lao rất thầm lặng bởi khi đã mắc, người bệnh không chết ngay lập tức mà từ từ, âm thầm gây hậu quả không chỉ với cá nhân đó mà còn với cả cộng đồng.
"Với diễn biến một cách âm thầm nên bệnh lao được gọi là "kẻ giết người thầm lặng". Những bệnh nhân lao chưa phát hiện bệnh có tỉ lệ tử vong cao. Đặc biệt, trong thời gian mắc bệnh và tử vong, họ đã làm lây lan bệnh cho cộng đồng" - PGS Nhung lo ngại.
TP HCM: Nhập cư đông, phòng chống vất vả
TP HCM là một trong những thành phố có người mắc bệnh lao nhiều nhất nước do dân cư biến động liên tục bởi tình trạng nhập cư.
Số người bệnh lao được phát hiện hằng năm tại TP HCM chiếm khoảng 15% tổng số người bệnh lao cả nước. Trong đó, người dân từ nơi khác đến sinh sống chiếm khoảng 20%. Ở độ tuổi thanh niên, tỉ lệ này lên đến 30%-35% - phần lớn là sinh viên, công nhân từ tỉnh khác đến. Bên cạnh đó, TP HCM còn là nơi có số người nhiễm HIV cũng như mắc lao đa kháng thuốc cao nhất nước.
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Văn Vĩnh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết TP HCM còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc phòng chống lao do lượng người nhập cư ngày càng đông. Mặt khác, chức năng của trung tâm y tế dự phòng quận - huyện chủ yếu là phòng bệnh; việc phối hợp với các bệnh viện trong quản lý bệnh lao đôi khi chưa được nhuần nhuyễn. Học viên chuyển trại liên tục, cán bộ trung tâm không ổn định. Sự phối hợp giữa các bệnh viện và mạng lưới phòng chống bệnh lao chưa được chặt chẽ.
"Người dân từ nơi khác đến tạm cư, chỗ ở không ổn định, khó quản lý và theo dõi việc tuân thủ điều trị bệnh lao, dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe chưa bao giờ phủ đến các phòng y tế cơ quan, nhà máy và xí nghiệp khiến việc chống lao của TP rất khó khăn" - bác sĩ Vĩnh nhìn nhận.
Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 5.000 người mắc lao đa kháng thuốc và 16.000 người tử vong.
Chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Hội nghị cấp bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về phòng chống lao ở Moscow - Liên bang Nga năm 2017 đã đưa ra tuyên bố chung về chấm dứt bệnh lao. Tại nước ta, Nghị quyết 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương khóa XII cũng đặt ra mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Theo bác sĩ Trương Văn Vĩnh, để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, rất cần sự khởi động đồng bộ các đầu việc: Mở rộng tiếp cận bệnh nhân để chăm sóc, mở rộng tầm soát và xét nghiệm, hoàn thiện và củng cố hệ thống báo cáo. Tuy nhiên, dù giải pháp cụ thể đã có nhưng để tiến tới chấm dứt bệnh lao thì còn nhiều thách thức.
"Do vậy, cần thúc đẩy tuyên truyền nhận thức về bệnh lao đến mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống mới mong chấm dứt được bệnh lao" - bác sĩ Vĩnh chia sẻ.
Kỳ tới: Bệnh không từ một ai
Bình luận (0)