Hàng loạt vụ tai biến y khoa xảy ra gần đây gây nhiều bức xúc. Tuy nhiên, rất khó khăn trong việc tìm được bằng chứng và yêu cầu bệnh viện (BV) bồi thường.
Bệnh viện bị kiện đòi hàng chục tỉ
TAND TP Cần Thơ vừa qua đã tạm hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện "Tranh chấp bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ" giữa nguyên đơn là bà Hứa Cẩm Tú với bị đơn là BV Đa khoa TP Cần Thơ để làm rõ những chứng cứ trong việc bà Tú bị cắt nhầm 2 quả thận. Trong phiên sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều đã tuyên buộc bị đơn bồi thường một lần 302,4 triệu đồng và hằng tháng 5,8 triệu đồng cho bà Tú. Sau đó, BV Đa khoa TP Cần Thơ có đơn kháng cáo. Vậy là sau hơn 4 năm sau khi bà Tú bị cắt nhầm 2 quả thận, việc bồi thường vẫn chưa ngã ngũ.
Trước đó, ông Trịnh Quang S. (55 tuổi, ngụ TP HCM) được chẩn đoán bị rò động mạch chủ xoang hang và được BV Đại học Y Dược TP HCM chỉ định mổ. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, ông S. bị tai biến và gần như sống thực vật. Vì vậy, gia đình ông S. khởi kiện BV này đòi bồi thường 33 tỉ đồng. Đây có lẽ là số tiền đòi bồi thường "khủng" nhất trong một vụ kiện mà nền y tế Việt Nam ghi nhận.
Gần đây nhất là sự việc 8 nạn nhân tử vong trong tai biến chạy thận ở Hòa Bình. Trong khi phía gia đình đề xuất mức bù chung là 250 triệu đồng/bệnh nhân tử vong thì phía BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình không đồng ý "cào bằng" mà hỗ trợ từng trường hợp căn cứ vào độ tuổi, tình trạng bệnh, dao động từ 140-242 triệu đồng, vấn đề còn lại sẽ do tòa án quyết định.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho hay khi tòa án chưa đưa vụ tai biến ở Hòa Bình ra xét xử thì khoản tiền BV Đa khoa Hòa Bình chi trả cho bệnh nhân tử vong là hỗ trợ, chưa phải đền bù. "Vì là hỗ trợ nên không có quy định mà tùy vào khả năng tài chính của BV" - ông Quang nói.
Tử vong lúc sinh con tại bệnh viện là dạng tai biến sản khoa thường gặp. Trong ảnh: Gia đình người nhà tập trung yêu cầu làm rõ 1 trường hợp sản phụ tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Quảng NgãiẢnh: TỬ TRỰC
Cần hội đồng y khoa độc lập
Theo một chuyên gia trong ngành y tế, ở các nước khác, trước một sự cố y khoa đều có hội đồng bác sĩ giải quyết. Còn ở Việt Nam, khi có đơn khiếu nại sau sự cố y khoa, BV thành lập hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân. Trường hợp các bên không đồng ý với kết luận của hội đồng chuyên môn ở cấp địa phương thì Bộ Y tế thành lập một hội đồng chuyên môn khác. Kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập sẽ là kết luận cuối cùng và là cơ sở để tòa án giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, hiện nay, việc đền bù như thế nào cho những thiệt hại của bệnh nhân chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội), Bộ Y tế cần làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Công an để ban hành thông tư liên tịch để hướng dẫn cụ thể chi tiết việc bồi thường tai biến y khoa. Bên cạnh đó, cần thành lập một hội đồng y khoa độc lập để điều tra, đánh giá các tai biến y khoa. Thành viên hội đồng này phải là những người có chuyên môn sâu, uy tín trong ngành y tế nhưng không phải tất cả đều công tác trong ngành y tế. Có như thế mới đưa ra những đánh giá độc lập, khách quan.
Mới 20% bệnh viện mua bảo hiểm trách nhiệm
Nói về vấn đề giải quyết tranh chấp sau tai biến y khoa, bác sĩ Thanh Huyền (BV Bạch Mai, Hà Nội), cho biết bác sĩ rất ngại kiện cáo một phần vì luật pháp Việt Nam chưa coi trọng việc bảo vệ danh dự bác sĩ. "Nếu như luật pháp nghiêm minh và bảo vệ được người thầy thuốc thì bác sĩ sẵn sàng ra tòa đối chất về mặt chuyên môn mà không sợ người nhà bệnh nhân xúc phạm, hành hung thay vì tâm lý "xoa dịu cho xong" như hiện nay. Vì thế, từng có chuyện bác sĩ rỉ tai nhau "thôi đừng làm, nhỡ người nhà kiện thì sao" để rồi bỏ lỡ cơ hội cứu sống người bệnh một cách đáng tiếc" - bác sĩ Huyền nói. Một số bác sĩ cho biết bản thân họ đã từng bỏ tiền túi hỗ trợ bệnh nhân để tránh kiện cáo ầm ĩ, dù lỗi không phải của bác sĩ.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên y tế để giải quyết những khiếu kiện. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, mới có khoảng 20% BV mua bảo hiểm trách nhiệm cho nhân viên y tế.
"Khi triển khai thực hiện các quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh sẽ giúp giảm bớt thiệt hại và áp lực đối với cơ sở y tế và người hành nghề khi có tai biến, sự cố y khoa. Cơ quan bảo hiểm đóng vai trò là cơ quan trung gian để bồi thường những thiệt hại đối với người bệnh khi xảy ra tai biến, sai sót" - ông Khoa nhấn mạnh.
Bồi thường tai biến sau tiêm vắc-xin
Đến thời điểm này, tại Việt Nam mới có điều khoản bồi thường khi có trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch miễn phí của nhà nước.
Tuy nhiên, từ thời điểm Nghị định 104 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng có hiệu lực (1-7-2016) đến nay mới chỉ có 1 ca tử vong do tai biến sau tiêm vắc-xin được bồi thường.
Bình luận (0)