Cuối tháng 9, chúng tôi nhận cuộc gọi cầu cứu của người dân ở ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM. Họ kể phải chịu đựng mùi hôi từ cơ sở tái chế nhựa hơn 2 năm nay.
Khổ sở sống cùng ô nhiễm
Cơ sở tái chế nhựa này không tên, diện tích khoảng 350 m2, nằm giữa khu dân cư đông đúc trên đường Huỳnh Thị Na.
Nơi đây thường xuyên đóng kín cửa chỉ chừa một lối nhỏ ra vào nhưng tiếng ồn của máy nghiền nhựa và bụi trắng thì không thể nào ngăn. Đứng gần khoảng 10 phút, chúng tôi nhiều lần phải nín thở vì mùi khó chịu xộc vào mũi.
Nhà cách 20 m, gia đình bà Đ.T.H cho biết lâu nay khổ sở vì mùi hôi. "Chúng theo gió bay vào nhà, lúc thì trưa, khi thì tối hoặc sáng sớm. Mấy đứa cháu tôi ngoài lúc đi học, còn về nhà là rất sợ mùi này" - bà H. kể.
Rời cơ sở này, chúng tôi đến ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM. Chỉ từ đường Liên ấp 2-6 rẽ vào rạch Cầu Suối đã có 5 cơ sở nhuộm nằm nối nhau, đều là các nhà xưởng tạm bợ, nhếch nhác, không tên, bên trên có những ống khói lớn nhả từng cụm khói đen lên bầu trời. Giáp những nơi này là hơn 100 hộ sinh sống, cả khu dân cư mờ mờ trong khói với mùi hôi khó chịu.
Bà Nguyễn Thị Thoa (65 tuổi) mệt mỏi cho hay rất khó thở. Không chỉ xả khói ra môi trường, nước thải từ những nơi nhuộm trên chảy ra rạch Cầu Suối khiến con rạch thường xuyên đổi màu xanh hoặc nâu...
Cơ sở wash nhuộm bên rạch Cầu Suối (huyện Bình Chánh) xả khói đen ra môi trường. Ảnh: THU HỒNG
Nhiều bất cập khi xử lý
Chia sẻ về các khó khăn khi xử lý cơ sở ô nhiễm, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Hóc Môn cho biết quá trình xử phạt nhiều cơ sở chấp hành nhưng sau đó không khắc phục việc gây ô nhiễm. "Do là vùng ven, họ hoạt động tạm bợ, thuê nhà xưởng, khi tiến hành xử phạt thì dọn đi nơi khác hoặc thay đổi pháp nhân khiến việc xử lý rất khó khăn" - đại diện Phòng TN-MT huyện Hóc Môn nói thêm.
Tại huyện Bình Chánh có hơn 760 cơ sở vừa và nhỏ có phát sinh chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại. Đánh giá công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho hay công tác kiểm tra liên ngành, xử lý các cơ sở sản xuất xả nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường mặc dù được thực hiện liên tục nhưng chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
Nguyên nhân là công tác xử lý, cưỡng chế thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở ô nhiễm còn nhiều vướng mắc do bất cập trong các quy định pháp luật.
Theo ông Cường, đặc thù huyện Bình Chánh là vẫn còn một số cơ sở nằm xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường mặc dù đã được kiểm tra, xử lý nhưng vẫn tái hoạt động, trong khi chế tài xử lý không đủ sức răn đe, gây bức xúc nhân dân.
Không riêng Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12 cũng là nơi trú đóng nhiều cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm. Ông Phan Phương Bình, Trưởng Phòng TN-MT quận 12, cho biết việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm thực hiện theo Nghị định 45/2022 với 2 hình thức là phạt tiền và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, một số trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt (không đóng phạt, không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả) nhưng rất khó giải quyết triệt để.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì bị cưỡng chế thi hành nhưng khi thực hiện cưỡng chế cũng không dễ. Muốn cưỡng chế đóng tiền phạt phải khấu trừ lương, thu nhập, nếu không khấu trừ được thì kê biên tài sản để bán đấu giá... Tuy nhiên, để thực hiện được cần sự phối hợp, xác minh của Chi cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội, tổ chức tín dụng... rất mất thời gian. Nhiều trường hợp xác minh có tài khoản ngân hàng nhưng khi cưỡng chế thì tài khoản không có đủ tiền.
Khó khăn trong cưỡng chế
Về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, đại diện Phòng TN-MT quận 12 cho biết quy định hiện hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm mà không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, thời gian qua, UBND quận thiếu cơ sở để cưỡng chế các trường hợp không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không thực hiện được các biện pháp phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Bên ngoài nơi tái chế nhựa không tên ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Ảnh: THU HỒNG
Trưởng Phòng TN-MT quận 12 kể về trường hợp Công ty TNHH Suntop Việt Nam - hoạt động may mặc tại phường Tân Thới Nhất, quận 12. Trong quá trình hoạt động công ty xả thải ra môi trường và bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng không chấp hành.
Năm 2022, công ty bị xử phạt 45 triệu đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Để cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản, ngày 20-12-2022, UBND quận 12 gửi công văn đề nghị Chi cục Thuế khu vực quận 12 - huyện Hóc Môn và các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của công ty này. Thời điểm xác minh, công ty có tài khoản và số dư tại ngân hàng 255 triệu đồng. Tuy nhiên đến ngày 1-2-2023, khi quận ra quyết định về cưỡng chế khấu trừ tiền tài khoản thì xác minh tài khoản không còn đủ số dư để khấu trừ.
Để tiếp tục thực hiện biện pháp kê biên tài sản tương ứng số tiền phạt vi phạm hành chính. UBND quận 12 làm việc với Công ty TNHH Suntop Việt Nam để xác minh thông tin tài sản nhưng công ty không hợp tác. Đến nay, công ty chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)