Có những người thấy anh thường chụp từ máy bay rồi trầm trồ: "Được vậy chắc sướng". Nhưng không mấy ai biết anh đã phải vượt qua nỗi sợ đương nhiên của người bình thường trong những lần đầu treo mình để chụp từ cửa trực thăng.
Chiếc cánh quạt tạo ra cơn gió thốc, cùng tốc độ gió lớn từ nhiều hướng làm mọi thứ trong không trung trở nên thật nhỏ bé. Có khi chụp rất nhiều trên những chuyến bay dài và đáp xuống phi trường, đầu anh quay cuồng và đôi mắt đỏ hoe. Rồi cả tuần sau đó là dai dẳng những đêm trăn trở. Nhưng khi phi đoàn Không lực 917 xếp được lịch, là anh lại bay. Mỗi lần bay lên là mỗi lần trải nghiệm và thử thách.
Nhà văn Trần Nhã Thụy xem ảnh của Giản Thanh Sơn về đảo và bờ biển Việt Nam thốt lên: "Mỗi hòn đảo là một trái tim". Phải rồi, bởi anh chụp với tất cả sự rung động về đất nước mình. Có những lần, máy bay chao
cánh khi bay qua làng quê ở Long An, mắt Sơn chợt nhòe đi. Có một cái gì kỳ lạ cứ thổn thức và dâng lên trong lồng ngực. Anh chờ một lát rồi mới có thể trấn tĩnh bấm máy. Cảm xúc ấy chưa bao giờ vơi trong bao lần bay dọc mọi miền Tổ quốc. Anh được liệng theo dáng hình rộng dài được bồi đắp bằng sự gắng gỏi qua ngàn đời của cha ông.
Giản thanh sơn với các sĩ quan phi công sau khi kết thúc chuyến bay, tháng 3-2018. Ảnh: VŨ HẢI SƠN
Giản Thanh Sơn tự nâng ống kính nhìn ngắm và bấm, không dùng những phương tiện hiện đại như flycam. Bởi anh vẫn giữ lòng tin rằng cảm xúc là một điều không gì có thể thay thế được. Cảm xúc như tia nắng ấm ấy lan tỏa tức thời từ tầm mắt vào trong lồng ngực và đến ngón tay bấm máy. Màu xanh thẳm của trùng dương bay bổng cùng màu xanh cây lá trong những bức ảnh sau những cánh bay.
Giản thanh sơn tác nghiệp từ máy bay. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Anh bảo mình không bao giờ có thể quên được những cảm xúc dâng trào khi bay qua những cánh đồng cát cháy, bờ biển mùa hè, con sông sau Tết, triền núi mù sương và những hòn đảo xanh mát trong trẻo của quê hương.
TP HCM, Xuân 2020
Bình luận (0)