xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giảng viên cao đẳng lao đao vì thiếu việc

HOÀNG THANH - QUANG NHẬT - HUY LÂN

Không tuyển sinh được, hàng trăm giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên tại các trường cao đẳng, trung cấp công lập không thể đứng lớp, thu nhập bấp bênh

Trường CĐ Sư phạm Gia Lai năm học này chỉ tuyển sinh được 170/375 chỉ tiêu. Do đó, 62 giảng viên (GV) có trình độ thạc sĩ trở lên không có việc làm, gần 20 phòng học bỏ không.

Không biết đi đâu, về đâu

Điển hình là Khoa Tự nhiên, do không tuyển sinh được nên những năm qua, trường không mở được lớp mới, chỉ còn duy trì 2 lớp cuối khóa học với 45 sinh viên (SV). 37 GV của khoa này hầu như không giảng dạy, không có thu nhập đứng lớp. Vào năm học tới, khi 45 SV ra trường thì số phận của các GV này không biết sẽ ra sao.

TS Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho hay 170 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay đa phần vào các ngành mầm non, tiểu học. Trường đã tìm cách bố trí kiêm nhiệm, phụ trách thêm công tác Đoàn, hội cho các GV thiếu việc nhưng vẫn không giải quyết hết. Số GV này cũng không thuộc diện phải tinh giản biên chế. Hiện trường đã báo cáo sự việc lên cấp trên để tìm cách giải quyết. Trước mắt, trường tạm ứng một vài tháng lương vì GV còn phải có tiền trang trải cuộc sống.

Giảng viên cao đẳng lao đao vì thiếu việc - Ảnh 1.

62 giảng viên của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai đang thiếu việc Ảnh: HOÀNG THANH

Một GV đang công tác tại Khoa Tự nhiên tâm sự: "Ngoài ảnh hưởng do mất thu nhập từ việc đứng lớp, chúng tôi còn rất buồn vì bao nhiều năm lấy việc đứng bục giảng, truyền đạt kiến thức là niềm vui thì giờ lại không có lớp để dạy".

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại Trường CĐ nghề Gia Lai, Trường Trung cấp (TC) Y tế, TC Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai… UBND tỉnh và Sở Nội vụ Gia Lai đã chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành sắp xếp, sáp nhập các trường CĐ, TC bảo đảm tinh gọn và hiệu quả. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu các trường trực thuộc thu hẹp quy mô đào tạo, xây dựng quy chế hoạt động tự chủ 100%; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sáp nhập 3 trường CĐ nghề Gia Lai với Trường TC Y tế, TC Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai.

Trường CĐ Sư phạm tỉnh Thừa Thiên - Huế 5-6 năm trước luôn có khoảng 5.000-6.000 SV. Thế nhưng, năm 2018, khóa 42 của trường có 10 mã ngành hệ sư phạm được tuyển sinh thì chỉ tuyển được 3 ngành là giáo dục mầm non (46 SV), giáo dục tiểu học (16 SV), sư phạm tiếng Anh (21 SV). Đối với các ngành CĐ giáo dục nghề nghiệp, trường cũng tuyển được 3 ngành.

Ông Trần Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên - Huế, cho biết hiệu quả tuyển sinh thấp, chỉ đạt 24,46%, nhiều ngành không tuyển sinh được SV nào trong nhiều năm. Vấn đề này ảnh hưởng ít nhiều đến kinh phí hoạt động chi thường xuyên, chi đầu tư của nhà trường.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Trường - Giám đốc Phân hiệu Huế Trường CĐ Xây dựng và Quản lý đô thị, đóng tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy - cũng lo lắng khi phân hiệu này chỉ tuyển được khoảng 15 SV ngành điện, chiếm tỉ lệ rất thấp so với chỉ tiêu đề ra. Vì vậy, đời sống GV cũng rất khó khăn.

Sáp nhập để tránh chồng chéo

GS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết việc sáp nhập trường TC và trường CĐ hoặc giải thể nhằm sắp xếp lại khối trường công để giảm đầu tư dàn trải, chỉ đầu tư vào những trường trọng điểm có chất lượng. Mục tiêu của bộ là xây dựng và tập trung cho 88 trường trọng điểm.

Bộ đang cùng các địa phương rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đến hết quý III/2019 giảm 10% cơ sở giáo dục công lập. Mới đây, bộ đã làm việc với tỉnh Lào Cai và thống nhất kế hoạch nhập trường CĐ cộng đồng và trường TC Y tế về Trường CĐ Lào Cai. "Mỗi tỉnh có một đề án riêng nhưng chủ trương của bộ là sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. Các trường được tự chủ để tăng quyền chủ động và bộ cho lộ trình 3 năm để thực hiện. Nếu trường nào vẫn không phát triển được, không đáp ứng các điều kiện quy định về đầu tư và hoạt động sẽ bị sáp nhập hoặc giải thể" - ông Quân nhấn mạnh.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, nhận định trước hết nên sáp nhập một số trường TC công lập có cùng ngành nghề đào tạo và trường CĐ cũng đào tạo ngành nghề ấy ở trình độ TC để bảo đảm đầu tư được tập trung, giảm bớt cạnh tranh tuyển sinh không cần thiết. Việc giải thể các trường này cần tính toán và đánh giá cụ thể, tìm hiểu nguyên nhân để nhà nước tháo gỡ. Theo ông Vinh, phải căn cứ nguyên tắc: Thứ nhất, có quy hoạch nhân lực cho địa phương từ 5-10 năm để xem có nhu cầu nhân lực hay không. Thứ hai, phải xây dựng tiêu chí và giải pháp xử lý sau giải thể, đặc biệt đối với các trường mang tính đặc thù về văn hóa nghệ thuật hay y tế... Việc giải thể vội vàng không tính toán đến khi có nhu cầu lại xây dựng rất tốn kém.

Việc quy hoạch lại không nên chỉ chú ý quy hoạch mang tính vật lý mà rất cần quy hoạch ngành nghề và trình độ đào tạo tương ứng. Những ngành nghề nào tư nhân làm tốt để tư nhân làm, còn những ngành nghề nào tư nhân không đầu tư hoặc theo nhu cầu ưu tiên của địa phương thì để trường công lập đảm trách theo đặt hàng của nhà nước.

Để tránh thất thoát đất đai, tài sản của nhà trường, trước khi sáp nhập hay giải thể cần có kế hoạch sử dụng tài sản nguồn lực hiệu quả nhằm hiện đại hóa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, mô hình trường CĐ mới sẽ như thế nào thì cũng cần có suy nghĩ thấu đáo. 

Đừng lay lắt trong nghèo khó!

Đến lượt các thầy cô giáo giảng dạy TC, CĐ phải chịu cảnh không có SV vì trường không tuyển được đầu vào, GV không có giờ dạy chẳng biết làm gì, lo lắng chưa biết tương lai về đâu.

Khi đã là cán bộ giảng dạy, việc học có bằng thạc sĩ, tiến sĩ là chuyện đương nhiên. Đó không chỉ là chuẩn hóa bằng cấp mà còn là nhu cầu tự thân, ý chí cầu tiến của từng GV. Tuy nhiên, cần chấp nhận sự nghiệt ngã của thị trường lao động khi xác định không nhất thiết phải bấu víu vào biên chế nhà nước thì cần có khả năng thích ứng, có thể phải đổi nghề lúc bằng cấp còn hữu dụng. Nhưng còn có một ràng buộc khác từ tư duy cũ, thói quen sống trong biên chế - chế độ làm việc suốt đời; là quy định lao động chuyên môn kỹ thuật cao thì không thuộc diện tinh giản biên chế...

Đó cũng là hậu quả của những chính sách GD-ĐT nhân lực được thiết kế thời gian qua. Chẳng hạn phải có bao nhiêu GV cơ hữu thì mới mở được ngành đó, trường đó. Nay không tuyển sinh được, không cạnh tranh được trên thị trường giáo dục thì đành thua, dư thừa nhân lực một cách đáng tiếc.

Đó là căn bệnh chạy theo thành tích, là mô hình tháp ngược, thầy nhiều hơn thợ; trường sư phạm mở ra khắp nơi dù SV sư phạm ra trường không có chỗ dạy, càng làm khủng hoảng thừa thêm trầm trọng.

Khủng hoảng thừa cũng là cơ hội để các địa phương, các trường sắp xếp lại, một số GV nên chuyển nghề khi sẵn có trong tay bằng cấp. Đã có thực tài thì không ngại khó hòa nhập công việc mới. Thà đau một lần rồi có cuộc sống dễ chịu còn hơn chấp nhận lay lắt với nghề trong nghèo khó.

Hiền Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo