Sáng 3-6, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương đã đến thăm và làm việc với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP HCM.
Hỗ trợ sinh viên, thúc đẩy khởi nghiệp
Báo cáo với đoàn công tác, PGS-TS Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG TP HCM - cho biết hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Nhằm hỗ trợ sinh viên, thời gian qua, ĐHQG TP HCM đã triển khai nhiều chương trình học bổng, chương trình vay ưu đãi học tập lãi suất 0% cho sinh viên, học viên. Kết quả có 2.500 sinh viên được thụ hưởng từ chính sách này.
Tuy nhiên, hiện nay có đến 60% sinh viên gặp khó khăn về học phí, do gia đình mất đi một phần nguồn thu nhập. Trong khi đó, với mức chi ngân sách cho giáo dục ĐH còn khiêm tốn buộc các trường ĐH phải tự chủ, tăng học phí. Từ thực tế này, ĐHQG TP HCM kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương ủng hộ chủ trương và có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách vay vốn theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; cho sinh viên vay với định mức cao hơn, thời gian vay được kéo dài hơn, bảo đảm chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.
Cùng với chính sách hỗ trợ học phí, PGS-TS Vũ Hải Quân nêu rõ trong quá trình phát triển, ĐHQG TP HCM cùng với ĐHQG Hà Nội luôn giữ vững các vị trí cao trên các bảng xếp hạng ĐH uy tín của thế giới. Đây là chỉ số quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quốc gia, phát triển đổi mới sáng tạo, là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng xác định: "Cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường ĐH lớn và ĐH sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới". Chính vì vậy, hai ĐHQG đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục ủng hộ chủ trương về mô hình ĐHQG, sớm ban hành văn bản chỉ đạo để hai ĐHQG được ưu tiên đầu tư, được quyền tự chủ cao và có cơ chế đặc thù riêng nhằm hoàn thành nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Tại buổi làm việc, nhiều cán bộ, giảng viên cũng đưa ra các kiến nghị thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tự chủ tài chính cho ĐHQG TP HCM. Ông Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐHQG TP HCM - cho rằng việc đẩy mạnh tự chủ ĐH là cần thiết để tạo sự chuyển biến lớn trong hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (bìa trái) gặp lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCMẢnh: TTXVN
Dẫn dắt đào tạo nguồn nhân lực
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá ĐHQG TP HCM đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế là trung tâm ĐH hàng đầu của đất nước với nhiều trường ĐH thành viên có truyền thống, có vị thế cao cùng nhiều thành tựu nổi bật trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ĐHQG TP HCM cần phát triển hơn nữa, xứng tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu mới, đặc biệt là trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng công dân trong thời đại mới có tri thức, trí tuệ, chuyên môn cao.
Ghi nhận các kiến nghị của lãnh đạo ĐHQG TP, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị ĐHQG TP HCM quan tâm thực hiện các vấn đề về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; không ngừng đổi mới, tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học…; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thu hút được đội ngũ tài năng, bao gồm cả giảng viên, sinh viên đến học tập, nghiên cứu.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguồn nhân lực hiện nay đòi hỏi có tri thức, trình độ, vừa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, môi trường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Đối với bậc ĐH, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hiện nay, cần đào tạo được đội ngũ "vừa hồng, vừa chuyên"; có tri thức, chuyên môn; khơi dậy được lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự lực tự cường. Vì vậy, ĐHQG TP và các đơn vị thành viên tham gia tốt vào việc dẫn dắt, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng này.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị ĐHQG TP chú trọng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phải có những đột phá về nội dung, gắn với giáo dục - đào tạo để thực hiện; phải gắn với chuyển giao và ứng dụng công nghệ; thực hiện tốt cơ chế đặt hàng gắn liền với doanh nghiệp; có cơ chế nâng đỡ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển.
Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu
Tại hội thảo khoa học "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và ĐHQG TP HCM tổ chức vào chiều cùng ngày, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định khoa học - công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước luôn xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Trên cơ sở đó, cần phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Bình luận (0)