Câu nói bao đời của cha ông: "Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" có vẻ quá ứng nghiệm trong trường hợp này. Nhưng quả thật, lần "lòi ra" này quá lộ liễu, quá khác thường. Những người trong đường dây gian lận này quả là coi trời bằng vung. Họ dứt khoát phải bị loại khỏi ngành giáo dục. Oái oăm thay, các thí sinh có thể rớt thành đậu hay ngược lại khi chỉ so kè nhau từng 0,25 điểm trong khi ở nơi nào đó trong phòng của hội đồng chấm thi có kỷ luật rất nghiêm ngặt, những kẻ bất lương vẫn ngang nhiên muốn nâng khống bao nhiêu điểm cũng được. Có trường hợp nâng tổng điểm 3 môn thêm 29,95 điểm. Thật kinh hoàng!
Với kinh nghiệm hàng chục năm chấm thi và làm trưởng môn chấm thi ở trường ĐH, tôi nhận thấy nhiều năm về trước, khi hầu hết các môn thuộc các tổ hợp xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ đều thi dưới hình thức tự luận và do các trường ĐH chấm, khâu hậu kiểm (thanh tra) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sau mỗi kỳ thi rất chặt chẽ và hiệu quả. Đó là, khi toàn bộ bài thi được chấm xong, Thanh tra của Bộ GD-ĐT sẽ đến các hội đồng chấm thi để tiến hành kiểm tra, rà soát kết quả lại lần cuối trước khi công bố. Mỗi môn thi được trưởng Ban Thanh tra yêu cầu một cặp giám khảo (trưởng môn chấm thi và một giám khảo bất kỳ do Ban Thanh tra đề xuất từ danh sách do hội đồng chấm thi cung cấp) chấm một cơ số bài theo tỉ lệ tương ứng, được Thanh tra Bộ GD-ĐT rút ngẫu nhiên từ hàng trăm túi bài thi. Quá trình chấm được thực hiện từ đầu trên mỗi bài thi đã được Hội đồng Phúc tra của Bộ GD-ĐT xóa hết tất cả các dấu vết của 2 giám khảo 1 và 2 để lại trước đó. Kết quả được cho là bình thường khi chỉ lệch từ 0,25 đến 1 điểm. Nếu lệch từ 1,0 điểm trở lên sẽ phải lập biên bản, mời thêm ít nhất 2 giám khảo khác chấm chung theo quy chế.
Từ khi thay đổi phương án "3 chung" trong các kỳ thi rồi gần đây là thay thế hình thức thi trắc nghiệm cho hầu hết các môn, chỉ còn lại duy nhất môn văn như năm 2018 này, thì tình hình loạn kết quả đã xảy ra. Vậy, điều mà ngành giáo dục cần xem lại là có nên thay đổi phương án thi như những năm gần đây không? Hay chỉ xét công nhận tốt nghiệp THPT và giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ việc tổ chức thi tuyển sinh. Vì chất lượng đầu vào cũng là sứ mệnh mà các trường ĐH phải đeo mang trong quá trình đào tạo, chắc chắn phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc hơn.
Rõ ràng, hậu quả của vụ tiêu cực động trời ở Hà Giang không chỉ đánh mất niềm tin của nhiều thế hệ con em chúng ta mà còn tạo ra sự khủng hoảng tâm lý rất tai hại cho cả người lớn, gây bất an trong dư luận khi giá trị chân thực bị đánh đồng với man trá, công bằng xã hội bị "rớt hạng" so với xảo trá gian manh! Sự băng hoại đạo đức và thói hợm hĩnh của những trọc phú dốt nát có cơ hội lên ngôi. Sự trâng tráo, coi thường kỷ cương phép nước để tham nhũng, hối lộ, ăn bẩn bất chấp hậu quả manh nha từ đây chứ đâu nữa.
Bình luận (0)