Trước đó, đã từng có trường hợp shipper (người giao hàng) ở Đà Nẵng "khóc ròng" bên phần cơm gà khách không nhận.
Chúng ta thấy ở đây không chỉ là sự phiền toái, thiệt hại của shipper và bên cung cấp ứng dụng mà còn là câu chuyện về văn hóa ứng xử, ý thức con người. Hành vi như trên rõ ràng là đáng phê phán, bởi nó gây phiền toái cho tài xế - những người lao động chân chính, phải vất vả chạy xe kiếm từng đồng tiền mà còn ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, khi họ phải bỏ tiền ra bồi thường cho người giao hàng.
Không có chế tài nào để xử lý người mua hàng trong trường hợp cố tình đùa cợt, đặt hàng rồi "bùng" nhưng có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất, như giáo dục ý thức, cư xử của mỗi người. Tuy nhiên, không phải ngày một ngày hai mà phải kết hợp giáo dục trong trường học và tuyên truyền ngoài xã hội. Đặc biệt, tuyên truyền rất quan trọng. Nếu tất cả đều chung tiếng nói lên án những hành vi gây tổn hại đến đối tác giao dịch, đến cá nhân khác… thì tôi tin, dần dần các hành vi xấu sẽ giảm thiểu.
Nhìn nhận một cách công bằng thì việc "bom" hàng chỉ là một hiện tượng gây ảnh hưởng đến một nhóm người trong giao dịch điện tử. Còn nhiều tình trạng khác nặng nề hơn như hút thuốc lá không đúng nơi quy định, chen lấn xô đẩy, nói tục, chửi bậy, lừa đảo… Khi tuyên truyền đủ nhiều, đủ lâu tự nhiên sẽ có tác dụng nâng cao ý thức của người dân. Đơn cử chuyện hút thuốc lá, thanh niên bây giờ không còn hút nhiều so với thế hệ trước bởi truyền thông xã hội đã có hiệu quả. Truyền thông, giáo dục cộng đồng rất có ý nghĩa trong các trường hợp này và cần nâng cao hơn nữa.
Trở lại việc bạn nữ "bom" hàng nói trên, ngoài vấn đề giáo dục cũng cần đặt ra câu chuyện quản lý. Rõ ràng, không thể áp dụng chế tài nặng cho những đối tượng khách hàng có hành vi xấu bởi đây là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp cần có cách của mình. Giải pháp hiệu quả với doanh nghiệp hiện nay là tăng cường, khuyến khích thanh toán trực tuyến, nhất là trong trường hợp giao dịch có bên thứ 3 đứng ra mua hộ như đặt hàng, gọi món qua ứng dụng. Khi phải ứng trước một khoản tiền để mua hàng và chỉ thu lại được khi đơn hàng được giao thành công, toàn bộ rủi ro thuộc về người vận chuyển. Một số doanh nghiệp cung cấp ứng dụng có chính sách bồi thường tiền cho các tài xế trong trường hợp khách không nhận hàng và chứng minh được không phải giao dịch "ảo" nhưng mức bồi thường bị giới hạn, nếu đơn hàng quá lớn shipper vẫn bị thiệt hại một phần.
Thanh toán online giúp rủi ro không còn thuộc về người trung gian giao hàng và cũng giúp đơn hàng được xác nhận nhanh chóng, tin cậy. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Không phải người tiêu dùng nào cũng hoàn toàn có lòng tin với nhà cung cấp và bên giao hàng, dẫn đến phần lớn không muốn trả tiền trước để tránh nhận rủi ro. Việc của các doanh nghiệp, các ứng dụng, sàn thương mại điện tử… bây giờ là tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng.
Bình luận (0)