Trước thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với ứng dụng ví điện Momo thử nghiệm hình thức cúng dường qua ví điện tử, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, cho biết năm 2021 Việt Nam tiếp tục phải đối diện với một đợt bùng phát mới của dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, những ngày giáp Tết Tân Sửu, GHPG Việt Nam đã có nhiều văn bản hướng dẫn các chùa, cơ sở tự viện về việc đảm bảo tinh thần phòng dịch tốt nhất nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trong dịp lễ hội Xuân.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng ứng dụng ví điện tử có lợi ích là tránh tập trung đông người trong dịch Covid-19, minh bạch tiền công đức, đồng thời có thể đi đến xóa bỏ đặt tiền lẻ trên tay tượng
GHPG Việt Nam cũng đã thực hiện những khóa lễ cầu an, hình thức tụng kinh online. Những ngày gần rằm tháng Giêng, nhiều chùa có chương trình cầu an. GHPG Việt Nam thông qua mạng xã hội của mình đã mở cổng đăng ký cầu an online và đã tiếp nhận được đăng ký của đông đảo mọi người. Việc tiếp nhận này được gửi tới một số chùa. Giáo hội cũng cho rằng việc cầu an là nhu cầu thiết yếu, ai cũng mong muốn.
"Cùng với lễ cầu an, mọi người thường thành tâm phát tâm công đức - đây là sự tự nguyện. Giáo hội không yêu cầu bất cứ cái gì. Nhưng để tạo điều kiện thuận lợi và tránh tập trung đông người đến chùa, Giáo hội có phối hợp với ứng dụng ví điện Momo để tạo điều kiện cho các đồng bào phật tử muốn phát tâm công đức thỏa mãn tâm nguyện của mình, Giáo hội thử nghiệm triển khai ở một số chùa. Bởi vì đó là dịp giáp Tết, việc thông báo triển khai chưa đại trà nên bản thân tôi là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội có trao đổi với quý hòa thượng lãnh đạo, ban thư ký, Phó Tổng thư ký, Chánh văn phòng để triển khai thử nghiệm này"- Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, việc ứng dụng ví điện tử có lợi ích là tránh tập trung đông người trong dịch Covid-19, minh bạch tiền công đức, đồng thời có thể đi đến xóa bỏ đặt tiền lẻ trên tay tượng - vấn đề mà báo chí đã đặt vấn đề rất nhiều. Đây là bước thử nghiệm để tiến tới đạt được mong muốn tốt đẹp trong văn hóa đi lễ chùa cũng như cầu an đầu xuân.
Cũng theo thượng tọa Thích Đức Thiện, do dịch Covid-19 còn phức tạp nên ứng dụng công đức qua ví điện tử sẽ thử nghiệm trong 3 tháng lễ hội của Xuân Tân Sửu, sau đó sẽ họp tổng kết, đánh giá ưu, nhược điểm phát sinh, hệ quả, hậu quả. "Chúng tôi muốn nghe ý kiến nhiều chiều để có có cái nhìn tổng quát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Còn triển khai tiếp hay không thì phải được Hội đồng thường trực Ban Trị sự Chư tôn đức lãnh đạo thông qua thì mới triển khai thành cái chung" - Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Người dân Hà Nội đi chùa Trấn Quốc ngày mùng 2 tết Tân Sửu - Ảnh: Ngô Nhung
Trước lo lắng sẽ phát sinh vấn đề giả mạo để trục lợi tiền công đức, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết đến nay có 12 chùa ứng dụng thí điểm. Kết quả, lượng công đức rất nhỏ.
"Tuy nhiên, qua đó cũng đo đếm được như thế nào. Mấy ngày đầu thì lượng công đức rất nhiều. Nhưng khi có lệnh đóng cửa chùa thì lượng người cúng dường qua ví điện tử cũng xuống rất nhanh. Điều này chứng tỏ người ta không công đức qua mạng mà người ra đến chùa quét mã QR… Như thế có thể có trang giả mạo nhưng không thực hiện được mục đích vì người ta đến chùa người ta quét mã. Thay vì đến bàn công đức đông người, người ta ra quét mã, nhất là các bạn trẻ. Tôi quan sát thì thấy các bạn trẻ rất thích công đức bằng cách này. Hiện nay, mình vẫn chưa đánh giá được là do bối cảnh dịch xảy ra" - Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam cho hay nếu việc cúng dường qua ví điện tử được triển khai, Giáo hội sẽ có ký kết với Momo. Sau đó, các đơn vị sử dụng sẽ có 1 tài khoản và tài khoản đó chỉ mang tên các chùa, Momo sẽ chặn các tài khoản giả mạo khác. Việc này thuộc về công nghệ và thuật toán của Momo. Các chùa đăng ký với Giáo hội, Giáo hội làm việc với Momo để có các tài khoản, có ký mã riêng của các chùa này. Thành thử ra việc giả mạo khó xảy ra.
Phản hồi ý kiến cho rằng thử nghiệm mới không hay, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay Giáo hội rất muốn lắng nghe ý kiến này. "Không có cái gì mới mà nhận được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Nếu ai không hiểu thì sẽ cho là không hay" - Thượng tọa Thích Đức Thiện nói và cho hay thêm nhiều thượng tọa khác cũng ủng hộ cách làm này.
Bình luận (0)