xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gìn giữ lời ru làng biển

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Quanh năm, đàn ông ở đây lênh đênh trên biển. Mỗi lúc nhớ người yêu, vợ con, nhớ quê hương, đất liền, họ đều cất lời ru. Họ hát ru cho bạn thuyền nghe và giãi bày tâm trạng của mình

Ở làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lê Thành Lộc - Chủ nhiệm CLB Dân ca Cảnh Dương - được xem là người tiếp nối sứ mệnh giữ gìn, bảo tồn những làn điệu hát ru bao đời nay.

Gìn giữ lời ru làng biển - Ảnh 1.

Một góc làng biển Cảnh Dương

Ngấm sâu trong tâm trí

Khác với nhiều người sinh ra ở xã Cảnh Dương, NNƯT Lê Thành Lộc trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 54 của ông bởi dáng vẻ mảnh khảnh, thư sinh. Ông cho rằng có lẽ do mình luôn say sưa với những lời ru và văn hóa dân gian của quê hương nên trẻ hơn người cùng trang lứa.

Ông Lộc cho biết từ ấu thơ đã nghe các làn điệu hát ru, hò chèo cạn mà người lớn tuổi trong làng thường hát ru con hoặc khi đi biển. Những lời ru êm ái, dịu dàng của quê hương Cảnh Dương đã ngấm sâu vào tâm trí khiến ông say mê lúc nào không hay.

Học hết cấp II, ông Lộc thi vào Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Huế với ước nguyện theo đuổi con đường văn hóa - nghệ thuật chuyên nghiệp. Song, sau một biến cố của gia đình, ông phải bỏ học giữa chừng, gác lại giấc mơ dang dở để trở về quê nhà. Thế nhưng, với ông, dù ở đâu hay làm gì thì vẫn luôn dành cho văn hóa - văn nghệ dân gian, đặc biệt là điệu hát ru của quê hương, một tình yêu cháy bỏng.

Làng biển Cảnh Dương còn có một người vừa am hiểu vừa có khả năng sáng tác, diễn xướng nhiều thể loại, làn điệu văn nghệ dân gian, đó là NNƯT Phạm Ngọc Thức. Nhận thấy ông Lộc có chất giọng tiềm tàng và niềm đam mê văn nghệ dân gian, ông Thức đã nhận làm học trò để tận tình chỉ dạy, rèn giũa.

NNƯT Phạm Ngọc Thức đã không nhầm vì khả năng hát ru, diễn xướng của ông Lộc ngày càng tiến bộ. Sau đó, ông Thức quyết tâm trao truyền lại toàn bộ tinh hoa văn hóa - văn nghệ quê hương, đặt trọn kỳ vọng vào ông Lộc.

Hát ru ở Cảnh Dương đã có từ xa xưa. Ông Lộc không nhớ chính xác từ khi nào, chỉ biết rằng lớn lên, lúc ông bắt đầu biết chạy nhảy thì những làn điệu hát ru đã đi vào tâm thức. Những bài hát ru chủ yếu được lấy từ ca dao, đồng dao, thơ ca… lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dần dà, theo thời gian, lời ru trở thành nét đẹp truyền thống, không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn giúp dân làng kết mối thâm giao.

Gìn giữ lời ru làng biển - Ảnh 2.

Theo NNƯT Lê Thành Lộc, những lời hát ru của quê hương Cảnh Dương đã ngấm sâu vào tâm trí ông từ nhỏ

Thấm đẫm tình người

Không như những làng quê ở miền Bắc hay miền Nam, làn điệu hát ru ở Cảnh Dương rất độc đáo, khác lạ. Ở các làng quê khác, bài hát ru thường bắt đầu với "à ơi" hoặc "ầu ơ". Còn ở Cảnh Dương, làn điệu hát ru bắt đầu với "hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông" và kết thúc cũng bằng những chữ đó.

Lý giải về điều này, NNƯT Lê Thành Lộc cho rằng trước đây, phần lớn ngư dân làng biển Cảnh Dương sống trên những con thuyền nhiều hơn là ở nhà. Vậy nên, những lời hát ru cũng lắc lư như mạn thuyền khi gặp sóng gió. Ngoài ra, bài hát ru mở đầu bằng "hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông" còn để át đi tiếng sóng, giúp trẻ có thể nghe rõ từng lời mới dễ đi sâu vào giấc ngủ.

"Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông... Trông ra ngoài biển lu mù/ Thấy anh câu đục câu đù em thương. Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông... Đêm qua anh gối tay nàng/ Ngày nay ra biển, anh gối đàng giây neo... Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông" - ông Lộc hát vài lời ru quê hương nghe đậm đà, sâu lắng.

Dù ở giữa miền Trung nhưng người dân làng biển Cảnh Dương lại có chất giọng tựa như người miền Bắc pha chút trầm nặng của miền biển. Bởi vậy, câu hát ru ở đây vang lên những âm thanh độc đáo mà hiếm nơi nào có được.

Làng biển Cảnh Dương còn được xem là "làng đàn ông hát ru". Hát ru ở đây không chỉ đơn thuần là mẹ ru con, bà ru cháu mà có thể là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em... và ru chính mình.

"Những lời hát ru đều xuất phát từ thực tế lao động sản xuất của ngư dân miền biển. Thường ở các làng quê khác thì mẹ ru con, bà ru cháu. Nhưng ở Cảnh Dương, đàn ông tối đi biển đến sáng về được mớ cá, vợ mang ra chợ bán cả ngày nên họ ở nhà thường hát ru con. Quanh năm, đàn ông lênh đênh trên biển. Mỗi lúc nhớ người yêu, vợ con, nhớ quê hương, đất liền, họ cũng hát ru. Lời ru lúc này họ hát cho bạn thuyền nghe, cũng là để giãi bày tâm trạng chính mình giữa trùng khơi" - ông Lộc lý giải.

Theo ông Lộc, những làn điệu hát ru với ngôn từ êm ái, dịu dàng không chỉ giúp con trẻ dễ đi vào giấc ngủ mà còn là những lời răn dạy về việc đối nhân xử thế, dễ tiếp thu, được lồng vào để giáo dục trẻ ngay từ khi còn trong nôi. Thông qua lời ru, một phần tình yêu, tấm lòng của cha mẹ dành cho con trẻ cũng được thể hiện.

Gìn giữ lời ru làng biển - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Viết Cảnh: “Hát ru để quên đi vất vả, lo toan trong cuộc sống”

Không để mai một

Làng biển Cảnh Dương với lịch sử gần 400 năm hình thành và phát triển đến giờ vẫn tồn tại cả một kho tàng về văn hóa dân gian như chèo cạn, hò khoan, các lễ hội… Trong đó, không thể không nhắc tới những làn điệu hát ru độc đáo.

Cảnh Dương vốn là một trong "bát danh hương" - 8 ngôi làng nổi tiếng nhất Quảng Bình ngày xưa. Trải qua bao biến đổi, các thế hệ dân làng vẫn tự hào vì gìn giữ được "hồn cốt" của Cảnh Dương nhờ những người đam mê, tâm huyết như NNƯT Phạm Ngọc Thức, NNƯT Lê Thành Lộc.

Cú sốc đối với ông Lộc là khi người thầy của mình qua đời cách đây 5 năm. Làng biển Cảnh Dương mất một "cây đa, cây đề" về văn nghệ dân gian. Nhiều người tự nhủ phải nối tiếp sự nghiệp của ông Phạm Ngọc Thức, lưu truyền những di sản văn hóa dân gian, nhất là làn điệu hát ru, cho thế hệ sau. Ông Lộc cùng những dân làng cao tuổi đã trình bày nguyện vọng với UBND xã Cảnh Dương xin phép thành lập CLB dân ca.

Khi CLB Dân ca Cảnh Dương ra mắt, ông Lộc được bầu làm chủ nhiệm. Từ đó, ông tiếp tục thực hiện sứ mệnh của thầy mình, trở thành người "tiếp lửa" cho văn hóa dân gian làng biển Cảnh Dương.

Trung bình mỗi tháng, CLB Dân ca Cảnh Dương sinh hoạt một lần. Chi phí hoạt động của CLB do ông Lộc và các thành viên tự bỏ tiền túi lo liệu. Đến nay, CLB đã có trên 40 thành viên, không chỉ là những người lớn tuổi mà còn cả thanh niên, học sinh.

Ông Lộc đang tiến hành sưu tập, cải biên, sáng tác những lời hát ru phù hợp với sự đổi thay của quê hương, gắn với chủ đề quảng bá hình ảnh, con người Cảnh Dương và giáo dục con cháu truyền thống anh hùng cách mạng. "Tôi mê say văn hóa dân gian, yêu tha thiết làn điệu hát ru của quê hương và rất sợ nó mai một nên đã tiếp nối cha ông mày mò sưu tầm, nghiên cứu để góp phần gìn giữ" - ông bộc bạch.

Ông Nguyễn Viết Cảnh, thành viên CLB Dân ca Cảnh Dương, cho biết NNƯT Lê Thành Lộc không chỉ giữ vai trò chủ chốt trong CLB mà còn là người biểu diễn chính trong các lễ hội quan trọng của làng, như lễ hội cầu ngư. Những năm qua, CLB còn được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi và tham gia các chương trình thiện nguyện để vừa bảo tồn vừa quảng bá văn hóa địa phương.

"Nhờ những người tâm huyết, tài năng như bác Thức, chú Lộc mà các làn điệu hát ru Cảnh Dương mới có thể được giữ gìn, không bị mai một. Với chúng tôi, những lời ru như đã ngấm vào xương thịt, hát để quên đi vất vả, lo toan trong cuộc sống" - ông Cảnh bày tỏ.

Ra bờ biển Cảnh Dương, chúng tôi chứng kiến nhiều ngư dân vừa kéo thuyền vừa cất tiếng hát ru: "Hò hẻ hò he, bôồng bôổng bôồng bôồng… Một mình anh chống liền chèo/ Lấy ai tát nước sang lèo cho anh/ Lấy anh thấy đói đừng lo/ Lấy anh tát nước miệng hò kéo neo… Bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he". Một ngư dân khác tiếp lời: "Ai về đất Cảnh hôm nay/ Ra khơi vào lộng sóng reo sớm chiều/ Thuyền anh chở nặng cá tôm/ Trên bờ em đón trái tim rộn ràng… Bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he"... 

Tâm huyết, nhiệt tình

Theo Phòng Văn hóa huyện Quảng Trạch, ông Lê Thành Lộc là một người rất tâm huyết với phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương. Không chỉ ở Cảnh Dương mà với các hoạt động văn hóa - văn nghệ của huyện, ngoài việc tham gia, ông còn nhiệt tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm về hát dân ca, nhất là làn điệu hát ru của làng biển này, cho lớp trẻ. Ông Lộc đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và khơi dậy phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương.

Năm 2019, ông Lộc vinh dự được trao tặng danh hiệu NNƯT.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo