Các cơ quan chức năng thu hồi chưa xong 13 sản phẩm Minh Chay, song kết quả thu hồi tới đâu thì không thông báo cho công luận biết.
Đối với công ty chủ sở hữu thương hiệu này, ngoài việc bị phạt hành chính 17,5 triệu đồng do không bảo đảm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng chưa có hình thức chế tài nào khác. Trong khi đó, đã có hàng chục trường hợp suýt mất mạng vì ăn phải pate Minh Chay chứa vi khuẩn cực độc Clostridium Botulinum, trong đó nhiều người nằm viện thở máy hàng tháng trời, tốn kém khủng khiếp. Đó là chưa nói sản phẩm của Minh Chay còn trôi nổi trên thị trường và không ít người vẫn dùng, bất chấp cảnh báo, như kề đầu vào giá treo cổ mang tên Clostridium Botulinum!
Với những vi phạm và hậu quả đã gây ra, không nghi ngờ gì nữa, pate Minh Chay phải chịu sự trừng phạt thích đáng. Dư luận lo rằng cách xử lý câu giờ đối với trường hợp này rất dễ dẫn tới chuyện "... để lâu hóa bùn"! Mà cũng kỳ lạ, những mặt hàng thực phẩm đều được các cơ quan nhà nước cấp phép mới được lưu hành ra thị trường, đó chính là sự bảo chứng để người mua tin dùng nhưng khi xảy ra chuyện cần phải xử lý thì không thấy đơn vị nào lên tiếng nhận trách nhiệm. Đâu chỉ có Minh Chay, thị trường luôn tiềm ẩn sản phẩm gây hại cho sức khỏe con người và các hành vi/đối tượng sản xuất, kinh doanh những sản phẩm đó hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, số trường hợp bị xử lý hình sự rất hiếm, cho nên người tiêu dùng chỉ biết... hên - xui, vừa ăn vừa cầu nguyện!
Nhiều vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác vừa xảy ra, gây bức xúc lớn trong xã hội, dư luận cũng đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan hữu trách. Mới nhất là vụ phát hiện một cơ sở ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương "tái chế" hơn 320.000 bao cao su với mục đích bán ra thị trường. Lực lượng liên ngành trong đó quản lý thị trường là chủ đạo loan báo rằng cơ sở nói trên thu gom bao cao su đã qua sử dụng để "tái chế". Nhưng thông tin này lập tức gây nghi ngờ. "Tái chế" hay là làm hàng giả? Theo luật hình sự hiện hành thì tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" (điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015) có khung hình phạt cao gấp nhiều lần về hành chính lẫn hình sự so với "tái chế" vốn thường bị phạt tiền là xong. Liệu bản chất vụ việc này khác hẳn? Cần phải có sự giám sát của các lực lượng khác thì mới mong vụ việc được xử lý khách quan, chính xác.
Trình Giảo Kim là mãnh tướng nhà Đường (Trung Quốc), mỗi khi xáp trận ông chỉ đánh 3 búa, nếu không thắng được thì ông chịu thua, tế ngựa mà chạy vì búa thứ tư trở đi thường trật và rất nhẹ, huơ lên cho có. Tích về ông lưu truyền tới bây giờ. Việc xử lý sai phạm các vụ pate Minh Chay, bao cao su "tái chế" hay trụ điện "đủ chuẩn" gãy hàng loạt trong bão số 5... của cơ quan chức năng sao thấy giống hình ảnh "ông ba búa" đến vậy: Cũng đầy quyền lực, cũng vung búa nhưng chỉ để rung cây nhát khỉ, giơ cao đánh khẽ và đánh trống bỏ dùi!
Bình luận (0)