Sau khi hoàn thành cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm, để giữ gìn dòng kênh xanh - sạch - đẹp, chính quyền TP HCM và người dân đã nỗ lực "chăm sóc" 2 con kênh này liên tục 10 năm nay.
Dòng kênh "thay da đổi thịt"
Đứng trên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đi qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, 1, 3 và Bình Thạnh), ngắm những lồng đèn hoa sen sáng rực được thả xuống nước mừng Đại lễ Phật đản (15-4 âm lịch) vừa qua, bà Nguyễn Thanh Trúc (ngụ quận 3) phấn khởi bày tỏ: "Là người dân sống ở đây, chúng tôi rất tự hào khi chứng kiến sự "trưởng thành" mỗi ngày của con kênh".
Theo bà Trúc, 20 năm trước, không ai ngờ con kênh này có ngày "thay da đổi thịt" như vậy. "Nhìn dòng kênh đen ngòm, đặc quánh rác, bốc mùi hôi thối khi đó, khó mà tin có sự đổi thay ngoạn mục như bây giờ. Được như vậy là nhờ công giữ gìn, chăm sóc và tôn tạo rất lớn của chính quyền thành phố và người dân sống ven kênh" - bà Trúc nhận xét.
Chỉ tay về phía bờ kênh đối diện CLB Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) - nơi những con tàu lớn đang tập kết mang rác vớt từ dưới kênh lên, bà Trúc nói: "Không đâu xa, đó là những người trực tiếp vớt rác mỗi ngày, giữ gìn cho dòng kênh luôn xanh mát".
Năm 2012, sau khi hoàn tất việc cải tạo, xây kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, việc chăm sóc, vớt rác, giữ gìn dòng kênh xanh được chính quyền thành phố giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thực hiện. Đến năm 2013, kênh Tân Hóa - Lò Gốm (qua 2 quận 6 và Tân Phú) cũng được UBND TP HCM giao cho đơn vị này chăm sóc.
Ông Phan Hồng Hải, Đội trưởng Đội vớt rác trên kênh - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, xúc động nói về công việc của mình trên 2 con kênh này: "Đã 10 năm rồi, anh em chúng tôi gắn bó với 2 con kênh như người thân".
Ban đầu, Đội vớt rác trên kênh chỉ có khoảng 45 người, gồm quản lý, công nhân, tài công, chia thành 2 nhóm để vê sinh 2 tuyến kênh. "Toàn đội chỉ 1 người có kinh nghiệm vớt rác trên kênh nên chúng tôi vừa làm vừa học hỏi nhau. Lượng rác và lục bình những năm 2012 - 2015 rất nhiều, trung bình mỗi ngày anh em vớt khoảng 20-25 tấn, có thời điểm cả trăm tấn, trong đó một nửa là rác sinh hoạt, còn lại là lục bình. Việc vớt rác chủ yếu làm thủ công, với những đội tàu công suất nhỏ 6CV - 14CV, mỗi chuyến chỉ chở được 500 kg - 1 tấn rác. Nhiều người có khi phải làm từ sáng sớm đến tối mịt" - ông Hải nhớ lại.
Không chỉ khó khăn về phương tiện, lượng rác nhiều lại liên tục làm việc trong không khí nóng bức, độ ẩm cao cộng thêm mùi hôi thối từ lòng kênh bốc lên khiến công nhân thường xuyên bị cảm sốt, viêm da. Nhiều người đã tính bỏ việc nhưng được anh em trong đội động viên nên tiếp tục gắn bó.
Đến năm 2015, những đội tàu cơ giới hóa với công suất 25CV -28CV được Công ty Môi trường đô thị TP HCM đầu tư, đưa vào sử dụng, giảm bớt việc vớt rác thủ công nên công nhân đỡ vất vả hơn. Ngoài ra, nhờ chính quyền các cấp của thành phố thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân không xả rác, giữ gìn dòng kênh xanh - sạch nên lượng rác đổ ra kênh giảm 50% so với trước. Điều đáng nói là rác sinh hoạt cột trong túi nhựa không còn xuất hiện trên kênh nữa.
Công nhân lấy rác vớt dưới kênh chuẩn bị cho vào xe ép
Giờ nghỉ trưa của công nhân Đội vớt rác trên kênh
Đội vớt rác trên kênh đang vớt lục bình dày đặc trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè năm 2012 (ảnh do đội vớt rác kênh cung cấp)
Không đơn thuần là công việc mưu sinh
Chúng tôi đến thăm "đại bản doanh" của Đội vớt rác trên kênh nhằm ngày Đại lễ Phật đản. Dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có đến 3 ngôi chùa nên đèn lồng hoa sen được trang trí cả trên bờ và dưới kênh. Buổi tối đèn sáng choang, rất đẹp.
"Để bảo đảm tính trang trọng của Đại lễ Phật đản, anh em chúng tôi không ai bảo ai đều cố gắng vớt sạch rác, dù là những mẩu nhỏ quanh khu vực tổ chức thả đèn lồng, sao cho dòng kênh được xanh - sạch nhất" - đội trưởng Đội vớt rác trên kênh cho biết.
Gắn bó với nghề ngay từ những ngày đầu đội thành lập đội, anh Trương Thanh Hải (ngụ huyện Hóc Môn) kể mỗi ngày từ 5 giờ 30 phút, anh đã rời khỏi nhà, theo đội tàu đi 1 vòng kênh. Nghỉ trưa được 1-2 giờ, chờ nước lớn, đội tàu lại đi tiếp, xong việc cũng phải đến 16-17 giờ. "Công việc ổn định, thu nhập cũng đủ sống nếu chắt chiu. Vợ chồng tôi còn lo được cho 2 con ăn học đàng hoàng" - anh Hải khoe.
Đội vớt rác trên kênh còn có những công nhân là sinh viên đại học. Năm 2019, đang là sinh viên năm 2 Trường Đại học Tài nguyên - Môi trường, Mai Thành Đạt, 23 tuổi, xin bảo lưu kết quả. Sau đó, Đạt xin vào Đội vớt rác kênh làm công nhân "để có thêm kinh nghiệm sống".
Nhiều ngày theo chân công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của các anh dành cho dòng kênh này. Không đơn thuần là công việc mưu sinh mà hơn hết là niềm tự hào của các anh khi dòng kênh ngày càng đẹp hơn hay niềm vui khi ý thức người dân được nâng cao.
"Công nhân chúng tôi chỉ mong người dân ý thức hơn, chung tay giữ gìn, đừng xả rác để dòng kênh luôn trong sạch. Giữa trung tâm thành phố mà mỗi ngày dòng kênh này phải gánh hơn 3 tấn rác sinh hoạt là quá lớn. Nếu Nhiêu Lộc - Thị Nghè xanh hơn thì chắc chắn những con kênh khác như Tàu Hủ - Bến Nghè, Tham Lương - Bến Cát, rạch Xuyên Tâm… cũng sẽ được xanh hóa" - anh Trần Văn Tài nhấn mạnh.
Vất vả nhưng được dân quý
Theo ông Phan Hồng Hải, 10 năm tham gia giữ gìn 2 con kênh của TP HCM, ông thấy hài lòng vì hoàn thành tốt công việc. Năm sau, ông sẽ về hưu.
Đội trưởng Đội vớt rác trên kênh tâm sự: "Nghề này dù vất vả nhưng được người dân thương quý. Hiếm có nghề nào được nhiều người quý đến vậy. Tết nào bà con cũng mang quà, lì xì cho công nhân chúng tôi. Anh em cần gì, bà con đều hỗ trợ. Mùa dịch, người dân mang gạo, nhu yếu phẩm đến hỗ trợ thường xuyên. Có người góp ý giăng dây để lục bình tập trung 1 chỗ cho dễ vớt, chúng tôi đã áp dụng rất hiệu quả".
Bình luận (0)