Tham gia cam kết này có lãnh đạo của 100 quốc gia - một con số hiếm thấy từ trước đến nay - cũng cho thấy được những cấp bách về việc bảo vệ môi trường và những tác động tiêu cực đã ngày càng hiện rõ. Ngăn chặn sự tàn phá môi trường là vấn đề không thể lảng tránh ở bất cứ quốc gia nào.
Hiện trường vụ phá rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô - Ảnh: CAO NGUYÊN
Cũng giống nhóm các quốc gia mới phát triển, chúng ta phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẵn có để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế. Rừng là tài nguyên dễ khai thác nhất và dễ sử dụng nhất nên cũng là nguồn tài nguyên bị tàn phá nặng nề nhất. Chỉ qua vài chục năm, số lượng rừng bị phá ở nước ta lên đến con số hàng triệu hecta và đến nay vẫn chưa dừng lại.
Ban đầu là có thể đổ thừa cho lý do người dân mưu sinh, kế đến là di dân tự do, nhu cầu đất sản xuất tăng cao... Nhưng những năm qua, chúng ta đã thấy tất cả lý do trên chỉ là cái cớ.
Những cánh rừng quý giá nhất đều được khai thác một cách bài bản, quy mô cho dù có đầy đủ các cơ quan bảo vệ. Số lượng đất rừng chuyển sang đất sản xuất với diện tích lớn đều nằm trong tay các doanh nghiệp, kể cả trong và ngoài quốc doanh. Từ rừng nguyên sinh phá mãi thành rừng nghèo. Qua thời gian, rừng nghèo thành không có rừng và từ đó, đất sẽ thành hàng hóa của doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283 ha, bình quân mỗi năm mất hơn 2.400 ha rừng. Còn theo nhận định của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Cái giá của việc mất rừng đã quá lớn: lũ lụt, khô hạn, đất bạc màu, môi trường ngày càng khắc nghiệt, hệ sinh thái kiệt quệ... nên những năm qua, lãnh đạo quốc gia luôn nghiêm ngặt yêu cầu bảo vệ rừng. Thế nhưng tại rất nhiều địa phương, rừng vẫn bị tàn phá, thậm chí rừng ở vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển... vẫn bị đốn hạ.
Nghiên cứu của Quỹ châu Á cho thấy trong 20 năm qua, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu, với mức thiệt hại ước tính chiếm đến 1,5% GDP hằng năm. Bên cạnh đó là các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất... đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước.
Giữ rừng không chỉ là cử lực lượng bảo vệ mà quan trọng hơn chính là hoạch định chính sách kinh tế không ảnh hưởng đến môi sinh. Cả nước hiện có hơn 830 thủy điện, hầu hết trong số đó là xây dựng giữa rừng nguyên sinh. Giữ rừng nhưng vẫn còn tình trạng phá cả rừng phòng hộ làm du lịch, khoanh núi làm sân golf...
Xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng gay gắt. Muốn bảo vệ những khoảnh rừng còn lại thì phải mạnh tay thực hiện bằng được những cam kết của lãnh đạo quốc gia: Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Bình luận (0)